Bảo đảm an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững

HOÀNG HƯƠNG - TIẾN DŨNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 21/9/2023, 10:34

(HTV) - Diễn đàn Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam nhận định cần có một lộ trình cụ thể trong xây dựng mô hình năng lượng sạch trong tương lai với sự hỗ trợ về mặt cơ chế, thủ tục từ phía các cơ quan chức năng.

Diễn đàn Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam, diễn ra tại Hà Nội

Đứng trước yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam không ngừng gia tăng, trong khi nguồn cung năng lượng ngày càng cạn kiệt. Do vậy, cần có một lộ trình cụ thể trong xây dựng mô hình năng lượng sạch trong tương lai với sự hỗ trợ về mặt cơ chế, thủ tục từ phía các cơ quan chức năng.

Cần có một lộ trình cụ thể trong xây dựng mô hình năng lượng sạch trong tương lai

Đây là nhận định của một số đại biểu tại diễn đàn Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam" diễn ra tại Hà Nội. 

Thực tế cho thấy, khủng hoảng năng lượng toàn cầu gây ảnh hưởng rất lớn tới Việt Nam, dù quá trình chuyển dịch năng lượng của nước ta đã, đang đạt được những thành tựu đáng kể. Các thống kê cho thấy Việt Nam là một nước có nguồn năng lượng tương đối đa dạng. Tuy vậy, mức sản xuất và tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người còn thấp.

Trước cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, năng lượng tái tạo được coi là hướng đi đúng với Việt Nam

Trước những áp lực của khủng hoảng năng lượng trên thế giới, năng lượng tái tạo được coi là hướng đi đúng với Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Việt Nam cũng là quốc gia sớm nhận ra tác động bất lợi của việc sử dụng năng lượng, đặc biệt là nhiên liệu hóa thạch, nên đã có nhiều chính sách phát triển liên quan đến chuyển đổi sử dụng năng lượng theo hướng giảm thải chất ô nhiễm, giảm thải khí nhà kính. Cơ chế thực hiện và cách triển khai như thế nào là vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm. 

Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam chia sẻ “Muốn chuyển đổi thì chúng ta rất cần có hai năng lượng để chuyển đổi là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Vai trò lớn nhất trong việc chuyển đổi này là doanh nghiệp. Về mặt doanh nghiệp, họ đầu tư vào đâu thì việc đầu tiên là lợi nhuận đặt lên hàng đầu. Giá thành sản xuất điện gió năng lượng mặt trời cần có sự trợ giá của nhà nước, nên giai đoạn này giá thành có thể cao nhưng sau có thể sẽ giảm.”

Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thái Hòa - Chuyên gia Kinh tế nêu quan tâm nhiều đến tốc độ và cách thức thực hiện chuyển đổi năng lượng. Ông nêu quan điểm “Chúng ta ký tầm nhìn đến 2025 nhưng không có nghĩa là đến 45 mới thực hiện. Chúng ta đã làm mấy năm qua từ khi ký Corp 26 thì với tốc độ và cách làm như thế này thì chúng ta sẽ không thể bắt được cơ hội mà Corp đã vạch ra.”

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thái Hòa - Chuyên gia Kinh tế

Thảo luận về Quy hoạch điện 8 đối với năng lượng tái tạo, các đại biểu cũng nhận định cần phải có lộ trình, sẵn sàng giải quyết các vấn đề phát sinh, đặc biệt là thiếu điện do nhiều nguyên nhân, cả nguyên nhân khách quan, chủ quan. Khi chuyển sang điện xanh, việc tăng giá điện sẽ không tránh khỏi nhưng cũng phải xem xét lộ trình để tránh gây xáo trộn lớn trong hoạt động kinh tế và đời sống nhân dân. Đồng thời, sớm nghiên cứu kỹ lưỡng về những công nghệ mới như khí hoá lỏng LNG, điện gió ngoài khơi, năng lượng hydro.

Ý kiến của bạn: