(HTV) - Trong bối cảnh thách thức của biến đổi khí hậu và sự suy giảm nguồn tài nguyên tự nhiên, việc bảo tồn hệ sinh thái của Đồng Bằng Sông Cửu Long trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Xây dựng các làng nghề tại ĐBSCL để tăng thu nhập cho người tham gia, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn sinh kế, xây dựng nội lực cho cộng đồng nhằm chủ động thích ứng với thay đổi của thị trường, thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu, cùng với đó, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa là các mục tiêu mà Chương trình Xây dựng và Phát triển Làng nghề Nông thôn do Quỹ hỗ trợ Nghiên cứu và Bảo tồn ĐBSCL đang thực hiện và sắp tới sẽ được nhân rộng với sự tài trợ của Chính phủ Úc.
ĐBSCL biến nguyên liệu thiên nhiên xuất khẩu ra thị trường quốc tế
Ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp Sinh kế Mekong
Ông Nguyễn Văn Hải chia sẻ: "Hệ thống chuỗi từ sản xuất nguyên liệu ngoài đồng đến thu mua đem về tận hộ dân để dự trữ, rồi sau đó chúng tôi tổ chức dạy nghề cho người dân đan, rồi tập trung về đây như một tổng kho, sau đó gửi đi xử lí sơ bộ và chuyển về nhà máy với nhiều công đoạn nữa mới có thể xuất khẩu. Hiện đã xuất đi được 20 nước, các thị trường EU, Mỹ, Úc, Nhật".
Việc phát triển các làng nghề không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho cộng đồng mà còn giúp duy trì cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội
Bản chất của làng nghề là để cho cộng đồng tự sống được, biết đoàn kết, gắn bó và đối phó với mọi sự thay đổi, trong đó có BĐKH. Từ hiệu quả Dự án tại Sóc Trăng mở ra triển vọng phát triển nguồn sinh kế ổn định cho người dân và tăng khả năng bảo vệ môi trường tại các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ hạn hán, xâm nhập mặn. Sắp tới, Dự án sẽ được nhân rộng tại các địa phương với sự đầu tư của Chính Phủ Úc trong gói hỗ trợ riêng cho thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL trị giá 94,5 triệu đô la Úc.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9