(HTV) - Thị trường vàng thời gian qua có nhiều biến động. Cuối tuần trước, giá vàng không ngừng lập đỉnh kỷ lục mới, từ 89 triệu đồng/lượng đến hơn 92 triệu đồng/lượng. Vấn đề bình ổn thị trường vàng vì thế đã được đặt ra.
Vàng - một thứ kim loại quý - cũng là một loại tài sản phòng ngừa rủi ro hiệu quả. Nhu cầu mua vàng càng nhiều cho thấy tâm lý trú ẩn an toàn chiếm ưu thế. Khi nền kinh tế bứt phá, cơ hội đầu tư vào sản xuất kinh doanh tăng lên, vàng lại trở nên kém hấp dẫn.
Bình ổn thị trường vàng góp phần bình ổn nền kinh tế
Chúng ta hay nói phải bình ổn thị trường lượng thực, thực phẩm, bình ổn giá xăng dầu, vậy thị trường vàng có cần phải bình ổn?
Theo các chuyên gia, việc bình ổn và quản lý chặt chẽ thị trường vàng là hết sức cần thiết.
Thứ nhất, thị trường vàng ổn định là một yếu tố quan trọng để duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính và kinh tế nói chung. Giá vàng tăng quá sốc có thể dẫn đến sự mất cân đối trong hệ thống tài chính và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, vàng thường được coi là một tài sản giữ giá trị trong thời gian dài. Khi thị trường vàng ổn định, nó có thể đóng vai trò như một cơ chế bảo vệ giá trị đồng tiền của một quốc gia.
Cần thiết phải bình ổn thị trường vàng
Ngoài ra, việc bình ổn thị trường vàng còn giúp thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, từ đó hạn chế được tình trạng đầu cơ, đẩy giá hay nhập lậu vàng nhằm kiếm lợi bất chính, gây ra rủi ro tiềm ẩn cho thị trường vàng trong nước nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng trong nước tháng 4 vừa rồi tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Và đến những ngày đầu tháng 5, đà tăng này tiếp tục duy trì, kéo giá bán vàng SJC lập đỉnh kỷ lục.
Chỉ số giá vàng tháng 4/2024 tăng hơn 28%
Dù giá vàng neo cao, nhưng người dân vẫn có nhu cầu mua vàng như một cách để tiết kiệm. Ghi nhận tại một tiệm vàng ở TP.HCM, nhiều người cho biết không thể theo kịp đà tăng của giá vàng.
Giá vàng tăng quá nhanh, người mua vàng không theo kịp
Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ (DGFT) vào tháng 7/2023 đã ban hành các hạn chế đối với việc nhập khẩu trang sức vàng. Trong đó có việc các nhà nhập khẩu cần phải có giấy phép của chính phủ.
Các hạn chế trên tác động đến hoạt động nhập khẩu theo Thoả thuận Thương mại Tự do ASEAN, đặc biệt là những sản phẩm vàng từ Indonesia. Theo các nguồn tin trong ngành thương mại vàng, Chính phủ Ấn Độ áp đặt các hạn chế trên một phần nhằm giải quyết tình trạng gia tăng đáng kể việc lách thuế nhập khẩu vàng thỏi bằng cách nhập khẩu vàng từ Indonesia được miễn thuế theo thoả thuận FTA ASEAN. Sau khi nhập khẩu, số trang sức và những mặt hàng vàng được nung và luyện lại thành trang sức mới, nhờ đó tránh được mức thuế 15% đối với vàng thỏi nhập khẩu.
Tháng 01/2024, Bộ Tài chính Ấn Độ tăng mức thuế nhập khẩu đối với vàng nguyên liệu dùng trong chế tác trang sức từ mức 11% lên 15%, bằng với thuế nhập khẩu vàng thỏi.
Tháng 4/2023, Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS) bắt đầu áp dụng bộ quy tắc mới trong kinh doanh vàng. Theo đó, mỗi trang sức vàng khi được bán ra thị trường phải có mã định danh riêng biệt, gọi tắt là HUID, gồm 06 ký tự cả số và chữ. Ngoài mã trên, trên trang sức vàng còn phải có logo của BIS và độ tinh khiết của vàng.
Khách hàng có thể tra mã HUID trên ứng dụng của BIS để xem thông tin về độ tinh khiết của sản phẩm, nhà kim hoàn, số đăng ký của nhà kim hoàn và thông tin của trung tâm xác nhận tiêu chuẩn của sản phẩm.
Theo Chính phủ Ấn Độ, mã HUID mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng, nhà sản xuất và nhà bán lẻ, giúp bảo vệ người tiêu dùng, giúp họ truy được nguồn gốc của trang sức vàng, đảm bảo một thị trường đáng tin cậy và minh bạch.
Minh bạch hóa thị trường vàng cũng là mục tiêu mà Việt Nam hướng đến. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp chấp hành nghiêm chế độ hóa đơn khi mua bán vàng, và phải theo dõi chặt diễn biến hoạt động mua, bán vàng miếng, niêm yết công khai giá mua bán tại điểm giao dịch.
Đặc biệt, để tăng nguồn cung vàng, qua đó giảm chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức các phiên đấu thầu vàng miếng SJC.
Các doanh nghiệp tham gia phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước
Ngày 08/5, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC với giá sàn là 86,05 triệu đồng/lượng. Kết quả có 03 đơn vị trúng thầu tổng cộng 3.400 lượng với giá tương đương mức sàn.
Đây là lần thứ hai đấu thầu thành công sau 05 lần tổ chức đấu thầu gần đây của Ngân hàng Nhà nước. Dù đã hạ số lô tối thiểu doanh nghiệp được phép đặt thầu, từ 1.400 lượng xuống 700 lượng, nhưng tổng lượng trúng thầu chỉ chiếm hơn 20%.
Để góp phần làm minh bạch hoạt động kinh doanh vàng, mới đây, Tổng cục Thuế đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch liên quan. Đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Các chuyên gia cũng có ý kiến nên khảo sát, đánh giá hoặc có thể triển khai thí điểm trước khi thực hiện trên diện rộng. Từ đó, nếu cần sửa đổi gì có thể sửa, tránh được những bất cập trong quá trình thực thi.
Rõ ràng, không thể để thị trường vàng vượt ngoài tầm kiểm soát. Tuy nhiên, trước những thay đổi và tác động quá nhanh từ tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới, thị trường trong nước cũng khó tránh khỏi biến động. Giải pháp là có, nhưng vừa phải khả thi với nguồn lực hiện hữu, vừa phải áp dụng kịp thời, đúng đối tượng và linh hoạt thích ứng.
Thạc sĩ Nguyễn Phạm Hữu Hậu - Chuyên gia Kinh tế - Tài chính chia sẻ: “Giá vàng trong nước tăng cao so với thế giới là do nhu cầu tích trữ vàng miếng của người dân ngày càng cao, mức lãi suất ngân hàng đang giảm. Cán cân cung cầu không tiệm cận với nhau do nguồn cung hiện tại đang rất thiếu. Ngân hàng Nhà nước cũng có những giải pháp đấu thầu vàng, nhưng tôi nghĩ đây chỉ là giải pháp tạm thời, không giải quyết được vấn đề. Quan trọng là phải thay đổi Nghị định 24/2012 về kinh doanh vàng, nên chăng bỏ thế độc quyền và cho phép các doanh nghiệp khác được xuất nhập khẩu vàng miếng, chúng ta dùng chính sách thuế để quản lý giá, giống như những nước nhập khẩu vàng như Trung Quốc, Ấn Độ hay Singapore.”
Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Phạm Hữu Hậu - Chuyên gia Kinh tế - Tài chính: “Về giải pháp ngắn hạn, tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước nên nhập khẩu thêm vàng. Nhập khẩu thêm vàng thì dự trữ ngoại hối sẽ giảm, tuy nhiên nó không vấn đề gì, thực ra vàng và dự trữ ngoại hối chỉ là hoán đổi tài sản để dự trữ thôi."
Nguồn cung vàng trong nước đang trở nên khan hiếm
"Vàng cũng là một kênh đầu tư của người dân. Tâm lý người dân đổ xô đi mua vàng, nhưng vàng là loại tài sản đặc biệt, nó có thể không sinh lãi như kỳ vọng của người dân nên người dân cũng nên thận trọng. Để bình ổn giá vàng, thứ nhất là tăng nguồn cung, thứ hai là phát triển các kênh đầu tư khác để người dân được tham gia rộng rãi hơn, thí dụ kênh đầu tư bất động sản, chứng khoán. Đa dạng hóa các kênh đầu tư thì tôi nghĩ dòng tiền sẽ tập trung vào những kênh mang tính căn cơ hơn, bền vững hơn như sản xuất kinh doanh để phát triển đất nước.”, Thạc sĩ Hậu nói.
Trong từng bước của tiến trình phục hồi kinh tế, thành quả có được không phải dễ. Bình ổn thị trường vàng cũng chính là một trong những nỗ lực để giữ vững thành quả đó. Hay nói cách khác, bình ổn thị trường vàng giúp bình ổn nền kinh tế.
Vàng là kim loại bền với lửa, như nhắc chúng ta phải kiên trì, bền bỉ trước những thách thức để có được một thị trường sôi động, một tương lai phát triển bền vững.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9