(HTV) - Sáng nay 19/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. Diễn ra theo theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, hội nghị được kết nối tới 63 điểm cầu tỉnh/Thành phố.
Tham dự có Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Tại điểm cầu TP.HCM có Phó Chủ tịch UBND Trần Thị Diệu Thúy.
Hội nghị đã đánh giá toàn diện việc triển khai nhiệm vụ của năm học vừa qua, những kết quả đạt được, những điểm còn hạn chế, cùng bài học kinh nghiệm và những giải pháp khắc phục những vấn đề còn bất cập. Năm học 2023-2024, toàn ngành giáo dục đã nỗ lực triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tại hội nghị, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tham góp các giải pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024-2025.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết trong năm học 2023-2024, thành phố đã rất nỗ lực trên nhiều phương diện và đạt được kết quả vượt trội, chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn của TP.HCM đều được nâng lên, nhất là việc phát triển năng lực tiếp cận tri thức mới, khả năng sáng tạo, tự học của học sinh. TP.HCM đã ban hành “Chiến lược phát triển giáo dục TP.HCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm cụ thể hóa các chủ trương, định hướng phát triển giáo dục của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Thành phố tiếp tục tập trung triển khai các chương trình, đề án nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, đến nay 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM đều triển khai xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cả về văn hóa vật thể, phi vật thể và trên không gian mạng. Đồng thời, duy trì hoạt động, sử dụng hợp lý, khai thác hiệu quả không gian văn hóa Hồ Chí Minh làm không gian giảng dạy và học tập cho các bộ môn Lịch sử, Ngữ văn, Giáo dục địa phương, Giáo dục công dân, các buổi học tập, sinh hoạt cho đoàn viên, thanh niên.
Ngành giáo dục TP.HCM đã xây dựng và ban hành bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc", có 100% cơ sở giáo dục thực hiện với mong muốn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên được yêu thương, tôn trọng, an toàn, chia sẻ và thấu hiểu. Trên địa bàn TP.HCM có 50 cơ sở giáo dục đại học và Đại học Quốc gia TP.HCM với 6 trường đại học thành viên trú đóng. Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TP.HCM cũng hoạt động hiệu quả.
Hiện TP.HCM đang khẩn trương hoàn thành các quy trình, thủ tục nhằm đảm bảo các đề án thành phần trong Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (08 ngành) giai đoạn 2020-2035 và Đại học chia sẻ, thuộc Chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa TP.HCM, được triển khai thông suốt, kịp tiến độ. Thành phố cũng đang xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm đào tạo nhân lực trình độ quốc tế đối với 4 đề án thành phần đã được nghiệm thu.
Về phần kiến nghị, TP.HCM đề xuất đẩy mạnh cơ chế thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập; giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập. TP.HCM cũng đề xuất xem xét điều kiện về chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mầm non đối với giáo viên người nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên bản ngữ và giáo viên người nước ngoài tham gia tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Bộ Giáo dục và Đào tạo được đề nghị nghiên cứu điều chỉnh quy định về diện tích đất bình quân tối thiểu cho một học sinh tại Thông tư số 13 nhằm phù hợp với đặc thù của TP.HCM, nơi có dân số đông và quỹ đất hạn hẹp, đặc biệt là các khu vực nội thành, để thực hiện đầu tư tăng thêm phòng học và các phòng chức năng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của thành phố.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành giáo dục đã hoàn thành tốt vai trò và nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Bước vào năm học 2024-2025, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục; nghiên cứu phát triển, hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với mục tiêu và yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới; tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, dự án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với giáo viên; tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục khuyết tật, giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.
Trước thềm năm học mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, thầy giáo, cô giáo luôn phát huy tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, kiên trì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đưa dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9