Cần giải pháp tăng số lượng, nâng chất lượng nguồn nhân lực Logistics

HỒNG DIỄM - THÁI PHƯƠNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 14/8/2023, 10:12

(HTV) - Theo kết quả cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 4.000 - 4.500 doanh nghiệp Logistics chuyên nghiệp.

Nhu cầu nhân sự cho các doanh nghiệp này khoảng 200.000 người. Tuy nhiên, nếu xét về quy mô đào tạo chuyên ngành Logistics tại các cơ sở giáo dục thì số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm chỉ ở khoảng 13.000 - 15.000 người.

Hiện nay, trên cả nước có hơn 50 trường đại học và hơn 30 trường cao đẳng, trung cấp đào tạo các ngành về Logistics và liên quan Logistics. Đầu ra tại các trường chưa đủ đáp ứng so với nhu cầu thị trường. Lý do lớn là ở việc thiếu giảng viên đào tạo.

Thạc sĩ Nguyễn Thắng Lợi - Trưởng Ban Nghiên cứu - Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam cho biết, nguyên nhân lớn nhất là ở việc thiếu giảng viên đào tạo

"Theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, muốn mở chuyên ngành mới hoặc mở rộng quy mô đào tạo, chúng ta phải có đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, lẫn chất lượng. Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên chuyên ngành Logistics ở trình độ cao đang gặp nhiều khó khăn, thiếu hụt rất nhiều", Thạc sĩ Nguyễn Thắng Lợi - Trưởng Ban Nghiên cứu - Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam đánh giá.

Tăng số lượng giảng viên là yêu cầu cần có để tăng số lượng sinh viên. Ước tính, để đào tạo một thạc sĩ hoặc tiến sĩ chuyên ngành mất thời gian từ 2 đến 5 năm. Do đó, trong thời gian chờ đợi, các trường cũng đã linh động tìm nhiều giải pháp.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Thị Thu Hòa - Trưởng Bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc Gia TP.HCM

"Có một số giảng viên ở ngành gần như: Quản trị kinh doanh, tài chính, kinh doanh quốc tế có thể thực hiện đề tài ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ có liên quan đến lĩnh vực Logistics. Có một số trường cử giảng viên tham gia chương trình đào tạo chứng chỉ quốc tế của Fiata - đây là chứng chỉ đào tạo Logistics của Hiệp hội Logistics quốc tế ủy quyền cho Hiệp hội Logistics Việt Nam thực hiện", Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Thị Thu Hòa chia sẻ.

Với nguồn nhân lực hiện hữu và lực lượng sinh viên đang đào tạo tại các đơn vị, cùng với nghiệp vụ chuyên ngành, kỹ năng mềm về ngoại ngữ, phát triển kỹ năng số được đặc biệt chú trọng.

Hơn 86,2% các doanh nghiệp đang trong quá trình thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện chuyển đổi số

Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam thực hiện tháng 7/2023 cho thấy, hơn 86,2% các doanh nghiệp đang trong quá trình thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện chuyển đổi số. Hơn 63% doanh nghiệp cho rằng cần hợp tác với các cơ sở đào tạo để nâng cao kỹ năng số cho nhân sự.

Ông Nguyễn Duy Minh - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)

Ông Nguyễn Duy Minh - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, Hiệp hội mong muốn hợp tác mô hình giữa doanh nghiệp - nhà trường (các trường nghề, các trường đại học) với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo.

"Với vai trò hiệp hội ngành nghề, chúng tôi có thể hỗ trợ kinh nghiệm, kiến thức, tham quan thực tế, cũng như chia sẻ các tài liệu liên quan", ông Nguyễn Duy Minh cho biết.

Ông Bùi Hữu Nghĩa - Giám đốc phát triển nguồn nhân lực, Công ty Cổ phần Logistics U&I

Để giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ cho sinh viên, Công ty Cổ phần Logistics U&I cho biết đang phối hợp với VALOMA để chuyển giao phần mềm, ứng dụng quản lý kho, quản lý vận tải miễn phí đến các trường.

"Điều đó giúp cho doanh nghiệp giảm bớt thời gian đào tạo lại, thứ hai là nhìn thấy năng lực số của sinh viên để doanh nghiệp có lộ trình đào tạo và phát triển các bạn", ông Bùi Hữu Nghĩa - Giám đốc phát triển nguồn nhân lực, Công ty Cổ phần Logistics U&I đánh giá.

Sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại tham quan tại cảng

Với đặc thù của ngành Logistics là đòi hỏi tính áp dụng thực tiễn cao, các chuyên gia cho rằng việc đào tạo cần phân bổ cân đối giữa các bậc đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp ở các giai đoạn vận hành cơ bản, vận hành chuyên sâu, quản lý, quản lý cấp cao, nhằm bám sát yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, tránh thừa ở trình độ này nhưng thiếu ở trình độ khác.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: