(HTV) - Giàu tiềm năng, nhưng vẫn còn nhiều trở ngại phát triển. Đây là chia sẻ của không ít doanh nghiệp khoa học - công nghệ hiện nay dù cơ chế, chính sách ưu đãi cho lĩnh vực này đã có.
Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM cho biết, Thành phố hiện có 111 doanh nghiệp khoa học - công nghệ được cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện chứng nhận là trên 700 doanh nghiệp. Thành phố hiện cũng có 36 cơ sở ươm tạo. Với những thành quả đạt được thời gian qua, TP.HCM được xem là nơi giàu tiềm năng cho khoa học - công nghệ phát triển mạnh. Song, không ít rào cản hiện hữu đã và đang khiến việc phát triển của hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực này chưa đạt được như kỳ vọng.
Điều 20 Nghị định 95/2014 của Chính phủ đã và đang mang đến nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khoa học - công nghệ. Trong đó đáng chú ý chính là miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; các chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư hay được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, hành trình để hưởng ưu đãi không dễ.
Hiện nay có khá nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp khoa học - công nghệ, thế nhưng điểm khó là để được công nhận là doanh nghiệp khoa học - công nghệ thì phải trải qua lộ trình và quy trình rất dài, đồng thời phải thương mại hóa sản phẩm thành công. Điều này khiến doanh nghiệp đối diện thách thức khi phải chờ đợi được công nhận để đủ điều kiện tận dụng ưu đãi mà Nhà nước dành cho các doanh nghiệp khoa học - công nghệ.
Đồng quan điểm trên, các doanh nghiệp khoa học - công nghệ cho rằng, dù không thể giải quyết mọi điểm nghẽn ngay lập tức, nhưng Chính phủ và các cơ quan liên quan có thể bắt tay gỡ những điểm khó căn bản trước và theo lộ trình từng phần.
Ông Đỗ Nguyên Thanh Đồng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ ACIS cho biết: "Tuy là chúng ta có ưu đãi vốn vay, nhưng việc triển khai xuống tổ chức tín dụng thì không hiệu quả cho nên doanh nghiệp khoa học - công nghệ chúng tôi cũng gần như không tiếp cận được. Ưu đãi đối với doanh nghiệp ngành này phải thiết thực hơn để doanh nghiệp phát triển. Đó không chỉ là ưu đãi vốn, mà còn ưu đãi công nghệ, kết nối thị trường, kết nối doanh nghiệp lớn hoặc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào các dự án của nhà nước".
Ông Quách An Sen - Phó Giám đốc phụ trách Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao TP.HCM
Ông Quách An Sen nhận định rằng khó khăn hiện tại nhất cần tháo gỡ ngay là hoàn thiện lại hệ thống pháp lý, trong đó rút ngắn lại các quy trình công nhận doanh nghiệp khoa học - công nghệ và đặc biệt là cấp quyền sở hữu trí tuệ nhanh chóng hơn. Bởi vì các doanh nghiệp trưởng thành từ các vườn ươm đều do các hội đồng đánh giá. Cho nên, quy trình cấp phép nên ngắn lại để doanh nghiệp có thể phát triển.
Các chuyên gia cũng chia sẻ một bài học kinh nghiệm từ các nước. Đó là sự tham gia của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn với vai trò khuyến khích, đồng hành cùng doanh nghiệp non trẻ, thay vì xem nhau như đối thủ. Việt Nam hiện có hơn 800 doanh nghiệp khoa học - công nghệ trên tổng số 3.000 doanh nghiệp đủ điều kiện được công nhận. Để khuyến khích nguồn lực này đưa khoa học - công nghệ Việt Nam phát triển xứng tầm, rất cần sự đồng hành hiệu quả, và trách nhiệm.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9