Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng (đơn vị thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam) 2 năm gần đây đã phát huy hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển doanh nghiệp theo hướng hiện đại, tiên tiến và bền vững.
Bối cảnh và vấn đề cần giải quyết
Trước đây, khi xe container vào cổng cảng Đà Nẵng, lái xe trình lệnh giấy, nhân viên Cảng kiểm tra thông tin, kiểm tra đăng kiểm, tải trọng của xe; Nhập số xe đầu kéo, romooc, số container, chỉ số cân,…vào phần mềm CATOS. Sau khi phần mềm CATOS thực hiện xong lệnh, nhân viên Cảng in phiếu tọa độ container giao cho lái xe. Việc tiếp xúc trực tiếp gây nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm và kéo dài thời gian giao nhận hàng. Vì vậy, Cảng Đà Nẵng đã tập trung nghiên cứu và triển khai Cổng container tự động autogate.
Theo đó, nhiều giải pháp công nghệ được áp dụng như nhận dạng mã container bằng thuật toán ACCR kết hợp với trí tuệ nhân tạo AI, nhận diện biển số xe đầu kéo, romooc, tự động điều khiển đóng mở barrie, đọc chỉ số đầu cân điện tử, dùng Robot (RPA) thực hiện lệnh, gửi thông tin qua APP điện thoại của lái xe. Các ứng dụng này đã hỗ trợ đắc lực trong giao tiếp, thao tác, giám sát…, góp phần cho việc giao nhận container chính xác, nhanh chóng, rút ngắn thời gian giao nhận hàng đến khách hàng xuất nhập khẩu. Sau khi chủ hàng làm lệnh và điều xe thành công trên phần mềm cảng điện tử, lái xe nhận lệnh qua ứng dụng (APP) điện thoại, cho xe đến Cổng vào, hệ thống tự nhận dạng, Robot tự làm lệnh, gửi thông tin bốc hoặc hạ container qua APP của lái xe.
Mọi thông tin về container được lưu trữ trên website để khách hàng hoặc hãng tàu tra cứu, nhân viên Cảng chỉ giám sát quá trình tự động thực hiện của hệ thống phần mềm tại Autogate. Việc vận hành khai thác Cổng container tự động Autogate đã làm giảm tối đa thời gian chờ, giảm chi phí cho khách hàng, tăng tính khách quan, minh bạch hóa thông tin và giảm thiểu sai sót cũng như sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận được nâng lên rõ rệt.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, lái xe 43C-09039, Công ty TNHH MTV Song Gia Hưng nhận xét: “Những thủ tục ùn tắc dưới cổng khi đi vào đi ra làm thủ tục làm giấy tờ chậm. Bây giờ hệ thống điện tử nhanh lắm, trong vòng chỉ có một phút là xong, rất thuận tiện, hàng hoá giao cho khách hàng và chủ hàng đúng thời gian.”
Là cổng container thông minh (smartgate) đầu tiên được áp dụng tại các Cảng Việt Nam, cổng container thông minh tại Cảng Đà Nẵng đã tạo thuận lợi cho lái xe và chủ hàng, đạt được hai mục tiêu quan trọng là “Không dùng giấy, Không tiếp xúc”.
Các giải pháp chuyển đổi số tại Cảng Đà Nẵng
Cổng container thông minh chỉ là một trong số các ứng dụng thông minh tại Cảng Đà Nẵng. Doanh nghiệp này đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin với một phòng máy chủ hiện đại, nâng cấp mạng trục cáp quang phủ toàn bộ bến bãi. Bên cạnh đó, đơn vị đã trang bị hệ thống wifi công nghiệp, camera quan sát toàn cảng; đầu tư mới nhiều công nghệ hiện đại cho Trung tâm điều hành và khai thác container, Trung tâm dịch vụ khách hàng… nhằm phục vụ tốt nhất cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ tại cảng. Cảng Đà Nẵng đã chọn đối tác là Công ty Total Soft Bank (Hàn Quốc) có phần mềm khai thác cảng tốt nhất (thuộc top 3 của thế giới) để đầu tư phần mềm quản lý, điều hành khai thác cảng container CATOS, vận hành từ tháng 4/2020.
Từ cuối năm 2020, Cảng Đà Nẵng triển khai phần mềm cảng điện tử ePort (electronic Port) và là doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số với việc triển khai lệnh giao hàng điện tử; thông quan hải quan điện tử; hóa đơn điện tử và thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho khách hàng giao dịch không tiếp xúc, không cần phải đến cảng. Phần mềm cảng điện tử (ePort) ứng dụng những công nghệ tiên tiến của thế giới như: sử dụng robot trong nhiều công đoạn để nâng cao năng suất, tăng hiệu quả công việc và giảm thiểu sai sót do thao tác thủ công; ứng dụng thuật toán nhận dạng mã container của Hungary, tự động nhận biết số container nhập xuất tàu và tại cổng cảng…
Với phần mềm cảng điện tử (ePort) và cổng container tự động, quy trình tác nghiệp của cảng Đà Nẵng đã trở nên hiệu quả hơn và tiết kiệm đến 90% chi phí vận hành. Theo ông Võ Hà Phương, Trưởng Đại diện hãng tàu WanHai tại Đà Nẵng, bây giờ khách hàng có thể đăng ký nhận hàng giao nhận container và EDO (lệnh giao hàng điện tử được hãng tàu phát hành qua kênh điện tử), các thủ tục mang tính hành chính như khai báo nhận Container, thanh lý tờ khai, thanh toán và điều lệnh cho lái xe cũng được thực hiện dễ dàng.
“Khi cảng Đà Nẵng thực hiện quá trình giao nhận với EDO đã tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các khách hàng xuất nhập khẩu ở miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng tiết kiệm, tiết giảm được chi phí và thời gian chờ đợi đi lại của tất cả các khách hàng và khách hàng hoàn toàn ủng hộ“, ông Võ Hà Phương nói.
Trước đây, trong quá trình vận hành cung cấp nhiên liệu tại trạm, Cảng Đà Nẵng cũng gặp nhiều bất cập. Phương tiện, thiết bị khi có nhu cầu về nhiên liệu, nhân viên viết phiếu nhận nhiên liệu rồi lên Tổ trưởng xác nhận. Sau đó, Lãnh đạo Xí nghiệp duyệt nhận dầu, nhân viên vận hành trạm nhiên liệu sẽ ghi tất cả các phương tiện, thiết bị vào đổ xăng, dầu trong sổ theo dõi. Tiếp đến, nhân viên phải nhập bằng tay vào phần mềm. Các thao tác đó tốn nhiều nhân công và thời gian nhưng tính chính xác không cao. Nhiên liệu tồn trong phương tiện, thiết bị được kiểm kê thủ công 2 lần một tháng, phải dùng thước đo cắm trực tiếp vào hầm chứa, bồn chứa dầu để đo chiều cao.
Do vậy, định mức nhiên liệu thường là thừa hoặc thiếu so với thực tế. Công tác quản lý vận hành trạm nhiên liệu phụ thuộc hoàn toàn vào con người dễ gây thất thoát nhiên liệu. Trước thực trạng đó, Cảng Đà Nẵng đã triển khai thi công và lắp đặt trạm nhiên liệu tự động, các cảm biến nhiên liệu ở thùng chứa nhiên liệu trên phương tiện, trên cabin phương tiện để giảm thiểu những rủi ro và thất thoát trong công tác vận hành cung cấp nhiên liệu.
Ông Văn Đức Nhựt, công nhân vận hành cẩu, xí nghiệp cảng Tiên Sa, Cảng Đà Nẵng cho biết cách làm mới mang lại hiệu quả rõ rệt: “Chương trình bơm dầu này là chương trình mới rất là thuận tiện cho anh em lái xe, không kể giờ giấc.”
Sau khi triển khai giải pháp này, Cảng Đà Nẵng đạt được 3 mục tiêu chính, không sử dụng phiếu nhận nhiên liêu; chủ động thời gian cấp nhiên liệu 24/7, thống kê hệ thống lượng nhiên liệu DO cho từng phương tiện, thiết bị; công nhân vận hành phương tiện, thiết bị có thể chủ động có thể đổ xăng dầu 24/7 mà không phụ thuộc vào nhân viên quản lý trạm, giảm đáng kể thời gian chờ đợi nhận dầu DO.
Đến nay, Cảng Đà Nẵng là hạt nhân chuỗi cung ứng logistic toàn cầu với hệ sinh thải hàng hải gồm Cảng vụ, Hoa tiêu, Biên phòng, Hải quan, cơ quan Thuế, hãng tàu và cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm đảm bảo thông suốt và an toàn dòng hàng hoá. Từ khi triển khai cảng điện tử ePort đã mang lại nhiều hiệu quả cho hệ sinh thái hàng hải như: rút ngắn thời gian giao nhận hàng và giảm chi phí logistics, tiết kiệm chi phí điều hành, chi phí đi lại, nhân sự.
Ông Lê Nam Hùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần logistics Portserco, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải Hàng hóa đường bộ Đà Nẵng đánh giá cao những bước tiến mới của Cảng Đà Nẵng hướng tới Cảng thông minh.
“Cá nhân, doanh nghiệp của mình đánh giá rất là tốt. Còn Hiệp hội cũng tập hợp các nhà vận tải hàng hoá đường bộ thì rất nhiều doanh nghiệp thực hiện dịch vụ thông qua cảng Đà Nẵng. Anh em đánh giá cao việc chuyển đổi kịp thời, chất lượng phần mềm ePort của Cảng. Tức là việc vận hành của kết nối với các hãng tàu với cơ quan hải quan thì thực hiện trên APP rất dễ dàng và nói chung là chất lượng sử dụng dịch vụ trên áp rất cao“, ông Hùng nhấn mạnh.
Kết quả mang lại
Đối với Cảng Đà Nẵng, ứng dụng phần mềm cảng điện tử giúp việc quản trị chính xác đến từng tác nghiệp, tối ưu hoá quy trình sản xuất và khai thác, giảm chi phí, nâng cao năng suất khai thác, cung cấp dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khách hàng. Với 3 tiêu chí “Không tiếp xúc; không dùng giấy, không dùng tiền mặt” đã mang đến sự thuận lợi cho các hãng tàu khách hàng xuất nhập khẩu, công ty vận tải, lái xe và cho cảng; góp phần đẩy nhanh tiến độ giao nhận hàng, sớm đưa hàng hoá vào chuỗi cung ứng, tiết kiệm được thời gian và chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Quá trình số hoá chứng từ lưu trữ trên không gian máy chủ của cảng Đà Nẵng giúp cho nhân viên, đối tác dễ dàng tra cứu và truy xuất dữ liệu, mỗi năm chi phí giấy in ấn của các hãng tàu vào Cảng được tiết kiệm hơn 2.500 trang giấy A4, khách hàng tiết kiệm được chi phí xăng dầu hơn 2 tỷ đồng/năm. ePort và Autogate đã đưa Cảng Đà Nẵng trở thành Cảng biển trực tuyến, mọi lúc mọi nơi, hiệu quả, nhanh chóng. Qua đó, góp phần nâng cao uy tín và chất lượng dịch vụ của Cảng Đà Nẵng với khách hàng về áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý, khai thác và điều hành sản xuất, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động.
Sau khi triển khai giải pháp chuyển đổi số, năng suất hàng qua cảng tăng đều hàng năm. Trong năm 2022, Cảng Đà Nẵng đã có 49 sáng kiến trên nhiều lĩnh vực, nhiều bộ phận với giá trị làm lợi cho Công ty lên đến 12 tỷ đồng.
Phần mềm Cảng điện tử ePort và cổng container tự động AutoGate đoạt giải Nhất Hội thi sáng tạo Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ 16 (năm 2020-2021) và đoạt Giải 3 – Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2021.
Kế hoạch tiếp theo
Ông Trần Lê Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng cho biết, để đẩy nhanh quá trình số hóa, cảng Đà Nẵng đã tập trung thiết kế và xây dựng bức tranh tổng thể về số hóa trong giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
“Trước hết là Cảng Đà Nẵng đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số giai đoạn 2020- 2025, tầm nhìn đến 2030. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2024 trở thành Cảng số hóa hoàn toàn bằng ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến trong và ngoài nước để áp dụng vào vận hành, khai thác và quản trị. Đặc biệt, Cảng Đà Nẵng quyết tâm chuyển đổi số thành công để tăng năng lực cạnh tranh, giảm chi phí, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ để tất cả hướng đến “Lấy khách hàng làm trung tâm”, đảm bảo khách hàng có khả năng tương tác “mọi lúc, mọi nơi” trên trông gian số“, ông Tuấn nêu rõ.
Theo Quyết định 1579 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Công ty Cổ phần cảng Đà Nẵng đang tập trung hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng Hợp phần B cảng Liên Chiểu. Hợp phần này bao gồm các cầu cảng, kho bãi hiện đại, tổng vốn đầu tư 7400 tỷ đồng. Để xây dựng cảng Liên Chiểu, Công ty Cổ phần cảng Đà Nẵng chủ động hợp tác liên doanh, liên kết với các các nhà đầu tư nhiều tiềm năng về tài chính, cũng như các hãng tàu, chủ hàng để tạo chân hàng tốt nhất. Đó là cơ sở, niềm tin vững chắc giúp Công ty nỗ lực tham gia xây dựng cảng Liên Chiểu trở thành cảng hiện đại nhất trong tương lai.