Chinh phục “thị trường ngách”: Động lực mới cho xuất khẩu Việt

NGỌC QUÍ - MINH CHƯƠNG - TẤN LỘC - MINH TẤN - QUỐC KHANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 19/2/2025, 09:00

(HTV) - Xuất khẩu nông sản Việt Nam khởi sắc khi doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng thị trường ngoài khu vực truyền thống. Với chiến lược phù hợp, nhiều đơn vị đạt thành công đáng kể, mở ra cơ hội tăng trưởng cho ngành trong năm 2025.

Tăng trưởng ấn tượng từ thị trường ngách

Bắt đầu xuất khẩu nông sản sang Ấn Độ cách đây ba năm, một doanh nghiệp Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng từ 3 tỷ USD ban đầu lên hơn 5 tỷ USD vào cuối năm 2024. Kinh nghiệm khai thác các thị trường đông dân như Ấn Độ giúp doanh nghiệp tự tin mở rộng xuất khẩu sang Indonesia, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ngay trong năm nay.

Ông Đinh Vĩnh Cường - Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ 365 Group, cho biết: "Khó khăn lớn khi xuất khẩu sang các thị trường ngách này chính là phải hiểu văn hóa của họ. Mỗi vùng đều có đặc thù riêng. Ngoài ra, việc tìm hiểu kỹ đối tác, cách họ làm ăn và lịch sử thanh toán là điều rất quan trọng."

Ông Đinh Vĩnh Cường - Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ 365 Group

Cơ hội từ những Hiệp định thương mại tự do

Ngành lương thực - thực phẩm TP.HCM cho biết, hiện có đến 70% doanh nghiệp trong ngành đã đầu tư đạt chứng nhận Halal để khai thác thị trường Trung Đông. Theo thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Đông, châu Phi đã tăng hơn 10 lần kể từ năm 2005, đạt 20,8 tỷ USD vào năm 2023. Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, nhận định: "Chúng tôi đã chủ động kết nối với lãnh sự quán các nước như Ấn Độ, Indonesia, Trung Đông... để tìm hiểu tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả hơn."

Thích ứng linh hoạt để không bỏ lỡ cơ hội

Thương mại toàn cầu trong năm 2025 dự báo sẽ có nhiều biến động, đòi hỏi doanh nghiệp phải linh hoạt trong chiến lược khai thác thị trường. Từ những thành công ban đầu, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng 19 Hiệp định FTA để tiếp tục đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là tại châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ và Nam Á.

Bà Lý Kim Chi chia sẻ thêm: "Cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Ví dụ, thị trường Ấn Độ rất quan tâm đến xuất xứ hàng hóa và nguồn nguyên liệu. Trong khi đó, châu Phi không đòi hỏi chất lượng quá cao nhưng lại có yêu cầu khắt khe về giá cả và mẫu mã."

Cùng quan điểm, ông Đinh Vĩnh Cường nhấn mạnh: "Doanh nghiệp cần có sự đồng hành của các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để nắm rõ tiêu chuẩn, nhu cầu từng thị trường. Đồng thời, cần được hỗ trợ xúc tiến, giới thiệu sản phẩm để khai thác hiệu quả hơn."

Chinh phục thị trường ngách - Động lực tăng trưởng mới

Dù chưa mang lại con số xuất siêu khổng lồ như Mỹ hay châu Âu, nhưng thực tế đã chứng minh rằng, xuất khẩu vào các thị trường ngách vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Trong năm 2025, Việt Nam sẽ chính thức thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện với UAE, mở ra cơ hội lớn hơn nữa cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Xuất khẩu Việt Nam: Tận dụng thị trường ngách để tăng trưởng bền vững

Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội này, cần có sự trợ lực từ Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi, phát triển bền vững tại các thị trường mới.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: