Hằng năm, tỉnh Kiên Giang có khoảng 4.600 người dân tộc thiểu số, phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer tham gia học nghề tập trung ở các trình độ cao đẳng, trung cấp nghề và học nghề.
Tỉnh Kiên Giang có hơn 13% dân số là người Khmer, với trên 56.000 hộ, khoảng 237.000 nhân khẩu. Việc triển khai thực hiện tốt các chính sách dạy học, đào tạo nghề và chế độ cử tuyển dành cho đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần nâng cao trình độ dân trí, tạo ra nội lực thúc đẩy sự phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn.
Dân tộc thiểu số tỉnh Kiên Giang. Nguồn ảnh: Vietnamnet
Chị Thị Xa Nhân là người Khmer đang công tác tại Khoa Dược trang thiết bị - Vật tư y tế, Trung tâm Y tế huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang trước đây được xét học cử tuyển ngành Dược sỹ.
Chị cho biết, những năm học đại học, chị được miễn học phí và còn nhận được học bổng mỗi quý, do đó gia đình không phải lo nhiều chi phí. Phấn khởi hơn là sau khi ra trường được tỉnh bố trí về làm việc tại Trung tâm Y tế huyện, gần nơi quê nhà.
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh có 401 học sinh là con em đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Đa số là con em đồng bào dân tộc Khmer được tạo điều kiện bước vào giảng đường đại học, cao đẳng để tiếp thu kiến thức thông qua hình thức cử tuyển. Sau khi tốt nghiệp, 246 em đã được phân công, bố trí về công tác tại địa phương.
Các em học sinh dân tộc thiểu số trong giờ học. Nguồn ảnh: Vietnamnet
Sau khi tốt nghiệp, tỉnh đã tạo việc làm hơn 3.000 lao động/năm, góp phần giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, cải thiện cuộc sống trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Kiên Giang đã quan tâm quy hoạch cán bộ người dân tộc thiểu số. Mỗi năm, tỉnh cử hàng trăm học sinh người dân tộc vào các trường đại học, đảm bảo có đủ nguồn nhân lực có trình độ, năng lực phục vụ cộng đồng dân tộc, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nguồn: Vietnamplus
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9