(HTV) - Chương trình diễn ra sáng nay (1/10) đã cho thấy: Trên địa bàn TP.HCM, vấn đề sử dụng và phát thải các sản phẩm nhựa khó phân huỷ vẫn còn rất phổ biến, các loại bao bì tái chế, sản phẩm nhựa thân thiện môi trường còn ít được biết đến và sử dụng.
Làm thế nào để nâng cao ý thức người dân trong vấn đề rác thải nhựa, để từ đó cùng chính quyền Thành phố tiến tới xây dựng nền kinh tế xanh, đã được các đại biểu phân tích và làm rõ. Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ tham dự chương trình.
Thời gian qua TP.HCM đã chú trọng triển khai nhiều hoạt động liên quan về giảm phát thải, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa; cụ thể hóa một số chỉ tiêu và nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường. Dù vậy, trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn cần phải tháo gỡ.
Chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" tháng 10/2023: "Công tác bảo vệ môi trường - Vấn đề rác thải nhựa"
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP.HCM cho biết: "Các bao bì tái chế và sản phẩm thân thiện môi trường còn ít được biết đến và sử dụng. Các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề này cũng còn nhiều khó khăn vướng mắc".
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP.HCM
Bà Phan Thị Thúy Phượng - Giám đốc Đối ngoại Công ty Sản xuất Thương mại Tổng hợp II cho biết rằng, đến thời điểm này chúng tôi cũng như các công ty sản xuất các sản phẩm xanh cũng vẫn chỉ tiếp cận được một thị trường rất nhỏ tại Việt Nam. Khó nhất là thị trường chợ chiếm đến 65% tổng sản lượng.
Bà Phan Thị Thúy Phượng - Giám đốc Đối ngoại Công ty Sản xuất Thương mại Tổng hợp II
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết: "Theo khảo sát của chúng tôi thì những loại rác thải nhựa mà dễ tái chế, giá trị cao thì đã được phân loại ngay từ đầu cho các đơn vị thu gom phế liệu. Các rác thải còn lại lẫn trong chất thải rắn thì ko còn khả năng tái chế, nếu chúng ta tái chế thì không hiệu quả và không thu hút được nhà đầu tư trong lĩnh vực tái chế".
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM
Các giải pháp cụ thể trong tương lai để phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa theo mô hình 3T (Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế) đều cần theo hướng phát triển kinh tế tuần hoàn. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực thu gom, tái chế, Thành phố đang và sẽ có nhiều chính sách hơn để khuyến khích, hỗ trợ.
Các sở ban ngành như: Sở Công Thương, Sở Du lịch, Sở An toàn Thực phẩm, Hội Phụ nữ cũng có nhiều chương trình đồng hành và khuyến khích các đơn vị, tổ chức trực thuộc hướng đến không sử dụng sản phẩm nhựa một lần và bao bì nhựa khó phân huỷ.
Ông Lê Quang Thiện - Trưởng Ban Quản lý Chợ Tân Định, Quận 1, TP.HCM chia sẻ: "Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao chúng ta thu đúng, thu đủ phí bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như doanh nghiệp sản xuất túi ni lông khó phân hủy. Việc này tránh làm thất thu nguồn ngân sách cũng như đảm bảo tính cạnh tranh của sản phẩm thân thiện với môi trường. Do vậy tôi nghĩ việc này cần triển khai đồng bộ đối với ngành thuế trên cả nước".
Ông Lê Quang Thiện - Trưởng Ban Quản lý Chợ Tân Định, Quận 1, TP.HCM
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết: "Tới đây, tháng 12 này, chúng tôi sẽ tăng cường các biện pháp và chuyên đề cho nội dung này. Đặc biệt chúng tôi sẽ kết nối với các chợ phải có chỗ bán những sản phẩm túi thân thiện với môi trường cũng như có chỗ cho doanh nghiệp họ có chỗ bán hàng túi thân thiện với môi trường".
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết: "Trong từng hoạt động của ngành du lịch sẽ chuyển đổi sang bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức khách du lịch đến TP.HCM và chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi sang du lịch xanh, du lịch bền vững với môi trường. Chúng tôi cũng sẽ kiên quyết xử lý các cơ sở kinh doanh du lịch ảnh hưởng đến môi trường trong thời gian tới".
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM
Với những nỗ lực từ nhân dân và chính quyền địa phương, công tác bảo vệ môi trường liên quan đến rác thải nhựa trên địa bàn thành phố đã xuất hiện một số điểm sáng điển hình. Đây cũng là động lực cho toàn thành phố tiến tới mục tiêu sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9