Chuyển đổi kép: Cơ hội và thách thức cho ngành dệt may Việt Nam

LY LY - TRẦN TÚ - QUỐC KHANH - TẤN PHONG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 10/12/2024, 08:08

(HTV) - Ngành dệt may Việt Nam phải đối mặt với thách thức chuyển đổi số và xanh hóa sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh, với các giải pháp tối ưu chuỗi cung ứng và áp dụng công nghệ bền vững.

Ngành dệt may hiện nay là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp từ 12% - 16% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, ngành này đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi thị trường quốc tế ngày càng yêu cầu cao về tiêu chuẩn môi trường và hiệu quả sản xuất. Để đáp ứng những yêu cầu này, ngành dệt may cần phải chuyển đổi theo xu hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Ngành dệt may đối mặt với nhiều thách thức từ yêu cầu cao về môi trường và hiệu quả sản xuất

Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu vòng đời của sản phẩm dệt may được kéo dài thêm 9 tháng, lượng khí thải carbon, nước và chất thải có thể giảm từ 20% - 30%. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có khoảng 1% sản phẩm dệt may được sản xuất theo quy trình tuần hoàn, điều này cho thấy còn rất nhiều cơ hội và thách thức trong việc áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững.

Bà Võ Thị Kim Thoa - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Phúc Hảo, cho biết việc xây dựng nhà máy theo xu hướng xanh đòi hỏi chi phí rất cao, điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, các công ty phải giảm giá để duy trì sản xuất, đôi khi là phải chấp nhận chịu lỗ.

Việt Nam phải giải quyết bài toán chuyển đổi kép trong ngành dệt may

Bà Huỳnh Đỗ Uyên - Giám đốc Công ty TNHH Hiếu Hảo, cho rằng thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp là giải quyết vấn đề "xanh hóa" quy trình sản xuất. Dù việc chuyển đổi này giúp có thể nhận được đơn hàng, nhưng chi phí cho việc đầu tư vào hệ thống nước tuần hoàn và các công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường vẫn là một bài toán khó đối với doanh nghiệp.

Tại hội thảo "Kết nối doanh nghiệp lĩnh vực dệt may và da giày năm 2024", tổ chức bởi Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam – Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, nhiều giải pháp đã được đề xuất để thúc đẩy quá trình chuyển đổi kép (chuyển đổi số và chuyển đổi xanh). Hội thảo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và gia tăng giá trị sản phẩm.

Trong hội thảo dệt may và da giày đã có các đề xuất giải pháp chuyển đổi kép và kết nối doanh nghiệp năm 2024

Ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, cho rằng việc thay đổi tư duy về xu hướng xanh là điều bắt buộc. Ngành dệt may cần phải thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường và sản xuất để duy trì vị thế trên thị trường.

Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng - Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cho rằng, dù hiện nay có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi kép, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận đầy đủ và hiểu rõ các cơ hội này. Vì vậy, cần có sự đồng hành của các chuyên gia và nhà khoa học để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thay đổi toàn diện, từ quản trị doanh nghiệp cho đến việc áp dụng công nghệ số và các giải pháp bền vững về môi trường.

Nhiều bài toán được đưa ra để bắt kịp xu hướng chuyển đổi số và xanh hóa sản xuất

Nếu doanh nghiệp Việt Nam bắt kịp xu hướng chuyển đổi sớm, họ sẽ có cơ hội nâng cao sức cạnh tranh, giữ vững thị phần tại các thị trường xuất khẩu chủ lực và phát triển bền vững trong tương lai.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: