(HTV) - Thị trường du khách đến từ các nước Hồi giáo và Ấn Độ thực tế là một thị trường rất tiềm năng do sự tăng trưởng về kinh tế và sức tiêu dùng từ các nước này.
Hội chợ du lịch TP.HCM - ITE HCMC 2024 năm nay cũng ghi nhận sự có mặt của các doanh nghiệp Ấn Độ, Trung Đông, các nước theo đạo Hồi... Trên thực tế, từ lâu, du lịch TP.HCM vốn có chiến lược đối với các nước Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ... Tuy nhiên, đối với thị trường Ấn Độ và Trung Đông, chúng ta vẫn chưa có chiến lược và xúc tiến cụ thể. Với sự tăng trưởng về kinh tế và sức tiêu dùng của người dân, thị trường này rất có nhiều tiềm năng nếu chúng ta giải quyết được những khó khăn, khác biệt về văn hóa, ẩm thực, ngôn ngữ...
4.500 du khách Ấn Độ đến Hà Nội vừa qua.
Dù chưa có kỷ lục đón lượng khách Ấn Độ lớn như vậy, tuy nhiên TP.HCM vẫn từng đón nhiều đoàn du khách Ấn Độ với con số lên đến hàng ngàn khách.
Tình hình khá tương tự đối với dòng khách đến từ các nước Trung Đông, các nước Hồi giáo lớn. Trên thực tế, dòng khách từ các nước Hồi giáo và Ấn Độ vẫn còn là một tiềm năng chưa được khai phá hết của du lịch TP.HCM. Làm thế nào để thích ứng và đón được nhiều khách hơn từ thị trường này cũng là chủ đề lớn tại các hội thảo được tổ chức tại Hội chợ du lịch TP.HCM năm 2024.
Ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM chia sẻ cùng phóng viên HTV bên lề hội thảo tại Hội chợ Du lịch TP.HCM năm 2024: "Toàn bộ Việt Nam đều có nhiều cảnh đẹp đặc sắc. Ngoài Bắc có những nét đặc trưng ngoài Bắc, trong Nam có cảnh sắc đẹp đẽ trong Nam. Tôi hy vọng sẽ có những xúc tiến đến cả hai miền. Tôi biết rằng du khách chúng tôi rất yêu thích TP.HCM và Đà Lạt, Nha Trang... Thời gian tới chúng tôi còn mong muốn xúc tiến đến Mũi Né, Ninh Thuận..."
Du khách Ấn Độ tham quan và chụp ảnh tại TP.HCM.
Chia sẻ về chiến lược phát triển, một điểm nghẽn lớn nhất hiện nay mà du lịch thành phố cần tháo gỡ ngay là vấn đề ẩm thực Halal, ngôn ngữ và công tác truyền thông đến các thị trường này do những đặc trưng và khác biệt về tôn giáo, văn hóa.
Tọa đàm bên lề ITE - HCMC 2024 về phát triển du khách Halal và Ấn Độ.
Ông Phan Đình Huê - Giám đốc Công ty Dịch vụ Du lịch Vòng Tròn Việt cho biết: "Thị trường khách đạo Hồi hay chúng ta có thể gọi là khách Halal là rất lớn vì có tới gần 2 tỷ người theo đạo Hồi và nhiều người giàu nhất thế giới là theo đạo Hồi. Đối với khách Hồi giáo thì đứng về mặt danh tiếng, họ rất thích Việt Nam vì chúng ta từng đánh thắng Mỹ. Đứng về mặt tài nguyên, nguồn lực thì chúng ta cũng rất tốt. Đặc biệt, đối với TP.HCM là một cửa ngõ mà khách Hồi giáo họ rất quen thuộc vì trong TP cũng có rất nhiều nhà thờ của đạo Hồi."
Khách du lịch Halal đến TP.HCM chiếm tới 60% lượng khách trong số gần 1 triệu khách Hồi giáo đến Việt Nam.
Trong khi đó, bà Tạ Việt Hằng - Giám đốc Truyền thông Công ty Halal Quốc Gia Việt Nam cho biết: "Khách du lịch Hồi giáo họ cũng không khác khách du lịch các dòng khác. Họ cũng bị thu hút bởi nhịp sống, kinh tế năng động của TP.HCM, sự hào phóng hiếu khách của TP.HCM. Ở đây cũng là nơi cung cấp cho họ những dịch vụ đầy đủ nhất về thực phẩm, trung tâm mua sắm, giải trí và là đầu mối để họ có thể tỏa ra các nơi. Với chúng tôi, qua sự tìm hiểu, khách du lịch Halal đến TP.HCM chiếm tới 60% lượng khách trong số gần 1 triệu khách đến Việt Nam."
Vấn đề ẩm thực là một trong những điểm quan trọng trong việc đón dòng khách Halal và khách Ấn Độ.
Ông Ho Sen You Sof - CEO & Founder Công ty Halal Trip Việt Nam góp ý: "Chúng ta chưa hẳn là yếu mà là do chúng ta chưa giải quyết được vấn đề truyền thông đồng bộ. Và thứ hai là từ trước COVID đến giờ, có thể là trong nghiên cứu gần 10 năm nay của tôi thì chúng ta chưa giải quyết được vấn đề tính xác thực chấp nhận Halal của các đơn vị sản xuất thực phẩm Halal của chúng ta."
Việt Nam cũng là quốc gia có ẩm thực chay rất phong phú, phù hợp với dòng khách này.
Thị trường du khách đến từ các nước Hồi giáo và Ấn Độ thực tế là một thị trường rất tiềm năng do sự tăng trưởng về kinh tế và sức tiêu dùng từ các nước này. Tuy nhiên, những rào cản về văn hóa, ngôn ngữ và ẩm thực có thể gây ra những khó khăn cho du lịch thành phố khi tiếp cận thị trường các nước này. Do đó, cần có sự đầu tư bài bản hơn về ngôn ngữ, ẩm thực và nhân lực để giúp cho du lịch TP.HCM tiếp cận thị trường các nước Hồi giáo một cách thuận lợi hơn. Điều này chắc chắn sẽ mang lại hiệu ứng tích cực về kinh tế cho TP.HCM và Việt Nam nói chung.
Các món ăn chay tại Việt Nam được đánh giá phù hợp với thị hiếu của du khách Hồi giáo.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9