(HTV) - Ngày 26/12/2023, giá vàng miếng lập đỉnh trên 80 triệu đồng một lượng, mức cao chưa từng có.
Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có thời điểm lên tới 20 triệu đồng một lượng. Tuy nhiên, ít ngày sau đó, giá vàng trong nước "lao dốc", quay về mức 74-75 triệu đồng một lượng.
Sau đây là một số phân tích của Ông Trần Ngọc Báu - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty cổ phần WiGroup - đơn vị cung cấp dữ liệu tài chính, kinh tế, vĩ mô, báo cáo, nghiên cứu thị trường và giải pháp công nghệ tài chính tại Việt Nam trong Chương trình Dự báo Kinh tế của Đài truyền hình TP.HCM.
Biến động giá vàng
Đánh giá về việc giá vàng “giảm sốc” vào những ngày cuối tháng 12/2023 và ổn định vào đầu năm 2024, ông Trần Ngọc Báu cho rằng: cần phân biệt rõ việc giảm giá mạnh chỉ xảy ra ở vàng SJC, trong khi đó giá vàng nhẫn vẫn bám sát với giá vàng thế giới và gần như đi ngang.
Giá vàng SJC "giảm sốc" ngay sau khi có công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành giá vàng miếng trong nước theo thị trường, không để vênh cao với quốc tế là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa đến từ một số hạn chế đã xuất hiện trong nhiều năm gần đây.
Tại sao giá vàng SJC giảm mạnh?
Trong khi giá vàng nhẫn chỉ chênh lệch khoảng vài triệu đồng một lượng thì giá vàng SJC thời điểm này chênh lệch từ 13-15 thậm chí là 20 triệu đồng một lượng so với giá vàng thế giới. Theo ông Trần Ngọc Báu, sự chênh lệch này cộng với phản ứng của thị trường khi vàng SJC giảm mạnh gần 10% trong một tuần thể hiện yếu tố đầu cơ rất cao.
Yếu tố đầu cơ trong thị trường vàng
Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước ban hành Nghị định 24 với chủ trương "chống vàng hóa" nền kinh tế. Đánh giá cao những tác động tích cực từ Nghị định này trong 10 năm qua, song theo chuyên gia, đến thời điểm hiện tại thị trường biến động không ngừng nên có những cơ chế cũ không còn phù hợp. Bên cạnh đó, từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng đã tác động đến nguồn cung vàng miếng trong nước. Do đó, năm 2024 là thời điểm thích hợp để sửa Nghị định 24 để giúp thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.
Cấp thiết sửa Nghị định 24
Nhận định về việc sửa Nghị định 24, ông Trần Ngọc Báu cho rằng sẽ rất phức tạp vì để sửa Nghị định 24 còn liên quan đến nhiều bộ, ban, ngành, đặc biệt còn liên quan đến vấn đề ngoại hối.
Nếu sửa Nghị định 24 theo hướng hợp nhất vai trò tiền và vai trò hàng thì có thể xử lý dứt điểm sự chênh lệch, trả vàng trở về cơ chế thị trường như ngày trước. Tuy nhiên, khi đó có thể gây ra hậu quả là việc dùng vàng để thanh toán trở thành vấn đề bình thường - đó là một loại rủi ro. Rủi ro đó không quá cao nhưng nhà điều hành phải quan tâm, bởi vì một khi thị trường vàng "dậy sóng" thì hậu quả rất nặng nề do còn liên quan đến nhập khẩu vàng, mà nhập khẩu vàng thì có liên quan đến USD. Do đó, quản lý thị trường vàng cần lộ trình dài hạn.
Đề xuất lộ trình sửa Nghị định 24
Bàn về xu hướng giá vàng trong thời gian tới, ông Trần Ngọc Báu nhận định: giá vàng nhẫn trong nước vẫn sẽ đi sát với giá vàng thế giới, nhưng giá vàng thế giới phụ thuộc bối cảnh toàn cầu.
Theo vị chuyên gia này, nhu cầu vàng trong năm 2024 sẽ tăng cao vì những biến động địa chính trị hiện nay kích hoạt việc các ngân hàng trung ương mua thêm vàng. Thứ hai, năm 2024 sẽ là năm đảo ngược các chính sách tiền tệ toàn cầu, tức là thay vì thắt chặt như 2-3 năm gần đây, chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng trở lại. Khi nới lỏng, lượng tiền trong nền kinh tế toàn cầu nhiều hơn. Thứ ba, lãi suất của FED giảm xuống trong khi các ngân hàng trung ương chưa kịp giảm thì sẽ làm cho đô la yếu đi, kích hoạt vàng tăng giá.
Với những yếu tố đó, dự báo trong năm 2024, thị trường vàng vẫn sẽ có giao dịch sôi động và giá tích cực. Nhưng xét về biến động mạnh hay không thì khó kỳ vọng, tức là khó có biến động 10-12% như năm 2023. Năm 2024, mặc dù giá vàng vẫn tăng nhưng tăng không cao.
Lời khuyên dành cho giới đầu tư vàng
Trong thông điệp phát đi, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sẽ có đề xuất sửa đổi Nghị định 24 trong ngay tháng 1 tới đây. Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng. Động thái quyết liệt của cơ quan quản lý góp phần "không để giá vàng chênh cao với thế giới" và "dứt khoát không để vàng hóa nền kinh tế" như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
TOÀN CẢNH THỊ TRƯỜNG
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN: NHÀ ĐẦU TƯ VẪN THẬN TRỌNG
Thị trường chứng khoán tuần qua chưa có dấu hiệu tăng trưởng rõ ràng. Áp lực chốt lời vẫn lớn khi nhà đầu tư vẫn mang tâm lý thận trọng. VN-Index đang giao dịch trong biên độ hẹp sau khi vượt khỏi vùng kháng cự 1.155 điểm và sức mạnh của xu hướng tăng ngắn hạn đã bị suy giảm.
BLOOMBERG DỰ BÁO TÍCH CỰC VỀ KINH TẾ VIỆT NAM
Cuộc khảo sát mới nhất của Bloomberg cho thấy, tỷ lệ tái cấp vốn (hiện ở mức 4,5%) được cho là sẽ được giữ nguyên cho đến năm 2025 trong bối cảnh tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) phục hồi nhờ xuất khẩu tăng mạnh. Tỷ lệ này được cắt giảm 3 lần trong khoảng thời gian từ tháng 4-6/2022, từ mức đỉnh 6% xuống còn 4,5%.
Giới phân tích cũng dự đoán lạm phát trong cả năm nay sẽ ở mức 3,5%, trước khi giảm xuống mức 3,2% trong năm 2025. Lạm phát trong năm 2024 vẫn thấp hơn mục tiêu của chính phủ là 4-4,5%. Theo Bloomberg, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có khả năng cũng sẽ giữ nguyên mức lãi suất điều hành trong thời gian tới.
Theo cuộc khảo sát trên, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay và 6,4% trong năm sau.
Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục tăng vì Việt Nam vẫn hấp dẫn đầu tư trong những năm tới.
NHIỀU CHẶNG BAY DỊP TẾT ĐÃ KÍN CHỖ HƠN 90%
Các chặng bay từ TP.HCM đi các sân bay địa phương Pleiku, Thanh Hóa, Quy Nhơn, Chu Lai có tỷ lệ đặt chỗ từ trên 90% trở lên. Đặc biệt, chặng bay từ TP.HCM đi Vân Đồn đã kín chỗ. Chặng Hà Nội Vinh cũng sắp hết vé với 99% số chỗ đã được đặt.
Chiều từ các sân bay địa phương về TP.HCM và Hà Nội những ngày sau Tết, từ mùng 4 tháng Giêng tới mùng 10 tháng Giêng Âm lịch cũng đang có tỷ lệ đặt chỗ cao.
ẤN TƯỢNG NGÀNH DU LỊCH TP.HCM NĂM 2023
Năm 2023, TP.HCM thu hút 40 triệu lượt khách, doanh thu ngành có mức tăng trưởng ấn tượng, đóng góp khoảng 10% vào trong cơ cấu GRDP của Thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu Châu Á, Điểm đến Lễ hội và Sự kiện hàng đầu Châu Á, nằm trong top 100 điểm đến hàng đầu thế giới năm 2023. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Thành phố mặc dù có tăng trưởng mạnh so với năm 2022, song chỉ mới phục h ồi khoảng 60% so với năm 2019, trong khi tỷ lệ này của cả nước là 70%.
Năm 2024, trước dự báo còn nhiều thách thức, để du lịch là động lực tăng trưởng cho kinh tế Thành phố, ngành du lịch cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, chủ động tích hợp các yêu cầu phát triển du lịch trong quy hoạch chung của Thành phố.
Về phía doanh nghiệp, cần tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, phát triển các sản phẩm du lịch mới phù hợp với tâm lý, thị hiếu của khách du lịch.
|
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9