(HTV) - Dù đã có 18 sản phẩm OCOP và còn nhiều tiềm năng phát triển nhưng việc thiếu chiến lược tổng thể trong xây dựng thương hiệu khiến nhiều doanh nghiệp hụt hơi.
Trong chiến lược phát triển các tiêu chí xanh, TP.HCM chọn Cần Giờ làm thí điểm không phát thải nhựa và phát triển kinh tế xanh bắt đầu từ nông nghiệp. Mục tiêu là tận dụng những ưu đãi từ rừng và biển tự nhiên của Cần Giờ để phát triển nông - hải sản hữu cơ.
Cây dừa nước có thể khai thác trong 30 - 50 năm với sản lượng 15 - 20 tấn đường/năm, tương đương với đường mía. Hiện toàn huyện Cần Giờ có 900 hecta dừa nước tự nhiên có thể phát triển nhiều sản phẩm hữu cơ như mật dừa nước, than sinh học. Tuy nhiên, chỉ mới khai thác 10 hecta, chưa quy hoạch chỉ dẫn địa lý cho cây dừa nước để trồng tập trung.
Cây dừa nước có thể khai thác trong 30 - 50 năm với sản lượng 15 - 20 tấn đường/năm, tương đương với đường mía
Anh Phan Minh Tiến - Giám đốc điều hành Công ty CP Dừa nước Việt Nam cho biết: "Mong muốn là quy hoạch những vùng trồng lớn hơn để 3 - 10 năm tới có được 100 - 200 hecta tập trung có thể thu lợi từ mật dừa và bán tín chỉ carbon".
Anh Phan Minh Tiến - Giám đốc điều hành Công ty CP Dừa nước Việt Nam
Không chỉ dừa nước, nuôi trồng hàu, yến sào cũng có thể phát triển nhiều đặc sản hữu cơ. Tuy nhiên, việc thiếu chỉ dẫn địa lý và thiếu chiến lược dẫn dắt thương hiệu khiến nhiều đặc sản chưa thể bước vào các kênh phân phối hiện đại.
Không chỉ dừa nước, nuôi trồng hàu, yến sào cũng có thể phát triển nhiều đặc sản hữu cơ
Ông Hồ Ngọc Thiện - Trưởng Phòng Kinh tế Huyện Cần Giờ, TP.HCM cho biết: "Đó giờ bà con chỉ sản xuất ít quan tâm vấn đề môi trường, bây giờ muốn bà con thực hiện thì phải có tuyên truyền dần".
Ông Hồ Ngọc Thiện - Trưởng Phòng Kinh tế Huyện Cần Giờ, TP.HCM
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ xây dựng các thông số chuẩn về chỉ dẫn địa lý của các loại đặc sản. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp phát triển thêm nhiều sản phẩm hữu cơ, tận dụng tối đa ưu đãi của thiên nhiên dành cho Cần Giờ.
Tiến sĩ Nguyễn Trần Chân - Viện trưởng Viện Kỹ thuật Tính toán ICOME, Chuyên gia về Sở hữu trí tuệ và Sở hữu công nghiệp cho biết: "Chỉ dẫn địa lý sẽ giúp người ta biết sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và thổ nhưỡng khí hậu sẽ cho ra sản phẩm ngon. Đi đôi với đó sẽ có tiêu chuẩn chất lượng".
Tiến sĩ Nguyễn Trần Chân - Viện trưởng Viện Kỹ thuật Tính toán ICOME, Chuyên gia về Sở hữu trí tuệ và Sở hữu công nghiệp
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết: "Để nâng được hiệu quả thì điều quan trọng nhất là là xây dựng thương hiệu. Khi có thương hiệu sẽ có nhiều giải pháp để nâng chất. Thông qua khảo sát của các hệ thống phân phối thì đánh giá là có nhiều hệ thống phân phối sẵn sàng tham gia từ đầu từ thiết kế, sản xuất cho đến làm thị trường".
Mục tiêu đến cuối tháng 10 sẽ có thêm 24 đặc sản đủ chuẩn OCOP tham gia Chương trình triển lãm đặc sản Cần Giờ
Huyện Cần Giờ đang hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh xây dựng hồ sơ an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn môi trường, mục tiêu đến cuối tháng 10 sẽ có thêm 24 đặc sản đủ chuẩn OCOP tham gia Chương trình triển lãm đặc sản Cần Giờ. Các chương trình triển lãm, xúc tiến thương mại sẽ tạo lợi thế trong xây dựng thương hiệu đặc sản, tăng cường sự hỗ trợ của chính quyền trong phát triển kinh tế địa phương.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9