(HTV) - Tái hiện lại hào khí của những chuyến tàu tập kết năm 1954, chương trình Cầu Truyền hình "Niềm tin và Khát vọng" đã sẵn sàng ra mắt khán giả vào tối 01/9/2024.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã có quyết định đưa lực lượng cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập, nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài.
Thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, Đảng và Chính phủ ta đã thực hiện thành công việc chuyển quân, tập kết, đưa hơn 150 ngàn cán bộ, chiến sĩ, học sinh và đồng bào từ Nam ra Bắc. Ở miền Nam, 3 địa điểm tập kết ra Bắc, gồm: Hàm Tân - Xuyên Mộc, Cao Lãnh - Ðồng Tháp Mười và Cà Mau. Còn ở miền Bắc, các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An được giao nhiệm vụ đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, học sinh và đồng bào miền Nam đường biển; Hà Tĩnh và Quảng Bình đón tiếp qua đường bộ.
Chuyến tàu tập kết ra Bắc
Với quy định thời hạn tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam vào tháng 7/1956 trong Hiệp định Giơ-ne-vơ, là hai năm nên Nhân dân miền Nam tập kết ra Bắc đều tin rằng sau hai năm sẽ trở về. Do đó, trước khi lên tàu các cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân miền Nam vẫy tay tạm biệt người thân, bạn bè, chiến hữu nhau bằng cách giơ hai ngón tay với ngụ ý sau hai năm sẽ đoàn tụ; những cuộc chuyển cư đó kéo dài đằng đẵng đến 20 năm sau.
Sự kiện này là minh chứng hùng hồn cho truyền thống đoàn kết một lòng của nhân dân hai miền Nam - Bắc, vượt qua mọi gian khổ, thử thách để cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, viết nên những trang sử hào hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Chiến thắng Điện Biên phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" và Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết năm 1954, những chuyến tàu tập kết đến nay thấm thoát đã tròn 70 năm và để kỷ niệm sự kiện ý nghĩa này, Đài truyền hình TP.HCM phối hợp cùng Đài PTTH tỉnh Thanh Hóa và Đài PTTH tỉnh Đồng Tháp trang trọng tổ chức chương trình Cầu truyền hình mang tên "Niềm tin và Khát vọng", cùng ôn lại một hành trình mà dân tộc ta đã đi và đã đến bằng khát vọng thống nhất như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. "Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi!”.
Sau nhiều tháng chuẩn bị kỹ lưỡng, chương trình cầu truyền hình "Niềm tin và Khát vọng" ôn lại sự kiện về chuyến tàu tập kết, đang trong giai đoạn hoàn tất cuối cùng và sẽ chính thức ra mắt khán giả vào tối ngày 01/9/2024.
Chương trình cầu truyền hình "Niềm tin và Khát vọng" kết nối 3 điểm cầu Thanh Hóa, Đồng Tháp và TP.HCM. Các điểm cầu có ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa to lớn, góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ ngày hôm nay và mai sau.
TP.HCM: Khu Tượng đài Anh hùng Liệt sĩ Đoàn tàu không số - Lữ đoàn 125 Vùng 2 - Hải Quân
Khu Tượng đài Anh hùng Liệt sĩ Đoàn tàu không số - Lữ đoàn 125 Vùng 2 - Hải Quân thuộc phường Cát Lái, TP. Thủ Đức được chọn là địa điểm tổ chức chương trình Cầu truyền hình tại TP.HCM. Tượng đài Anh hùng Liệt sĩ “Đoàn tàu không số” là công trình có ý nghĩa lịch sử, ghi nhớ công lao của những tấm gương anh dũng đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Các thủy thủ đoàn tàu không số là lực lượng nòng cốt, trực tiếp mở con đường vận tải chiến lược trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Thanh Hóa: Khu Lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 tại TP. Sầm Sơn
Cùng với một số địa điểm tập kết khác, được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, ngày 15/10/1954, cảng Lạch Hới, xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn) là địa điểm đầu tiên ở miền Bắc đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết. Dù còn vất vả, nghèo khó nhưng người dân Thanh Hóa lúc đó đã dành tất cả những gì tốt nhất của mình cho đồng bào miền Nam.
Trong thời gian từ 15/10/1954 - 01/5/1955, thực hiện nhiệm vụ đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào học sinh miền Nam ra tập kết, Thanh Hóa đã đón tiếp 1.869 thương, bệnh binh, 47.346 cán bộ, 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ tập kết ra Bắc.
Điểm cầu Thanh Hóa được tổ chức tại Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn). Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc được xây dựng ven bờ sông Mã thuộc phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn, tái hiện một khung cảnh đầy xúc động về sự kiện đồng bào Thanh Hóa đại diện cho đồng bào Miền Bắc đón tiếp đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết.
Đồng Tháp: Khu Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại TP. Cao Lãnh
Cùng với Hàm Tân - Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Mũi Cà Mau, thì Bến Bắc Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp là một trong ba điểm tập kết lớn của các tỉnh Nam bộ để đưa 13.508 cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, học sinh ở miền Nam ra Bắc để lao động, học tập, quay trở về phục vụ cách mạng miền Nam.
Tại Đồng Tháp, điểm cầu được tổ chức tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia “Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954”. Di tích Lịch sử Quốc gia "Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh" được xây dựng bên bờ sông Tiền phía bên phải bến phà Cao Lãnh, tại địa điểm cách bến phà Cao Lãnh 100 mét về phía thượng lưu, Phường 6, TP. Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp).
Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại đây có ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa to lớn, là “Địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Tập kết - Đợt chuyển quân mang tầm nhìn chiến lược
Cuộc chia ly kéo dài hơn 7.000 ngày của cả một thế hệ đã tạo nên nhiều tình huống, nhiều câu chuyện vui, buồn, anh dũng và tự hào.
Tập kết - Cuộc tạm xa cần thiết cho mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước
Nghệ sĩ Nhân dân Lê Thụy - Tổng Đạo diễn Cầu truyền hình "Niềm tin và Khát vọng", đã chia sẻ một cách sâu sắc về ý nghĩa lịch sử và cảm xúc đọng lại trong sự kiện này: “Đây là một trong những sự kiện hết sức lớn trong lịch sử chiến tranh và lịch sử của dân tộc Việt. Chuyến đi này ai cũng nghĩ chỉ là những giây phút hết sức ngắn ngủi, chỉ có 700 ngày chúng ta lại trở về với nhau nhưng cũng không ngờ rằng nó kéo dài đến gần 20 năm sau. Cho đến năm 1975 thì chúng ta mới chiến thắng và trở về thì câu chuyện tập kết là một câu chuyện đầy xúc động và thiêng liêng. Có những người vợ đợi chồng trong suốt 20 năm, có những người con không bao giờ nhìn thấy mặt cha, bởi vì cha chuẩn bị về thì con đã hy sinh và những điều ấy đó là những sự linh thiêng hết sức lớn đối với tôi. Những hình ảnh ấy được tái hiện trên sân khấu bằng rất nhiều loại sử thi kịch nói, kịch hát, ca cảnh và đặc biệt là âm nhạc. Đây không chỉ là một chương trình nghệ thuật đơn thuần mà còn là một lời tri ân sâu sắc đến những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.”
Công tác chuẩn bị chương trình Cầu truyền hình "Niềm tin và Khát Vọng"
Một số hình ảnh công tác chuẩn bị cho Cầu truyền hình
Tượng đài "Con tàu tập kết ra Bắc" tại phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đang dần hoàn thiện
Mô phỏng 3D sân khấu tại điểm cầu Đồng Tháp
Chia sẻ về công tác chuẩn bị tại điểm cầu Thanh Hóa, ông Bùi Quốc Đạt - Phó Chủ tịch UBND TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Trong 70 năm qua, Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân TP. Sầm Sơn luôn ghi nhớ lời Bác, đặc biệt là trong chuỗi các sự kiện chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm Hiệp định Giơ-ne-vơ và đón tiếp đồng vào miền Nam, tập kết ra Bắc. TP. Sầm Sơn vinh dự một lần nữa được lựa chọn là điểm cầu truyền hình của Đài Truyền hình TP.HCM. Chính vì lẽ đó, chúng tôi nhận thức được rằng thành phố cần phải nỗ lực hết mình để phối hợp hết sức chặt chẽ, nhịp nhàng với Đài Truyền hình TP.HCM. Chúng tôi đang tập trung nhân lực, nguồn lực, vật lực để xây dựng sớm hoàn thành, đưa vào vận hành khai thác khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, trong đó chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Đài Truyền hình TP.HCM chuẩn bị về cơ sở vật chất, về nguồn lực, về nhân lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu lưu liệu để cầu truyền hình diễn ra một cách tốt đẹp nhất.
Còn tại điểm cầu Đồng Tháp, Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp - Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp cho biết: “Đài Phát Thanh - Truyền hình Đồng Tháp rất cảm ơn HTV đã chọn Đồng Tháp một trong ba điểm cầu để thực hiện sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng này. Đối với Đồng Tháp chúng tôi thì từ trước đến giờ chúng tôi cũng rất tự hào, bởi vì đây là một điểm để tập kết chuyển quân của toàn miền Nam ra điểm tiếp nhận ngoài kia là Thanh Hóa. Thông thường hàng năm thì chúng tôi, đặc biệt là những năm chẳng chúng tôi cũng có tổ chức những sự kiện để kỷ niệm cho ngày trọng thể này. Tuy nhiên, năm nay thì nhân kỷ niệm 70 năm mà được tham gia cùng với lại cầu truyền hình với Thành phố Hồ Chí Minh và Thanh Hóa thì đó là một sự kiện rất là ý nghĩa, có ý nghĩa rất lớn đối với địa phương. Do vậy thì với chức năng là một đài địa phương thì chúng tôi sẽ tích cực hỗ trợ, phối hợp cùng với HTV để tổ chức thành công sự kiện này.
Tối ngày 01/9/2024 lúc 18 giờ, khán giả sẽ có dịp cùng hòa mình vào không khí lịch sử, lắng nghe những câu chuyện xúc động về những người lính đã không tiếc tuổi thanh xuân vì độc lập, tự do của Tổ quốc qua chương trình Cầu truyền hình mang tên "Niềm tin và Khát vọng".
>>> Xin mời quý vị đón xem chương trình Cầu Truyền hình trực tiếp vào 18 giờ ngày 01/9/2024 trên HTV9, TTV, THĐT và đồng thời được tiếp sóng trên các đài phát thanh Truyền hình trong cả nước. Hãy cùng NewZ Cập nhật thêm thông tin trên các trang mạng xã hội của HTV Tin tức.