(HTV) - Giải quyết cơ chế tài chính và đầu tư, nhất là đối với nút thắt lớn nhất - "hạ tầng liên kết vùng", được xem là nhiệm vụ "ưu tiên của ưu tiên" để vùng Đông Nam Bộ phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh.
Đông Nam Bộ là vùng kinh tế lớn nhất của cả nước, nhưng vai trò, vị trí của vùng trong nền kinh tế đang suy giảm trên hầu hết các mặt. Nếu không có sự can thiệp và thúc đẩy về mặt cơ chế thì sự suy giảm đó sẽ tiếp tục diễn ra.
Rào cản cơ chế thu hút nhà đầu tư vùng Đông Nam Bộ có thể khái quát bằng 5 nút thắt, gồm: 4 thiếu và 1 bất cập. Đó là thiếu quy định về khái niệm dự án đầu tư vùng, thiếu tiêu chí về lựa chọn dự án ưu tiên, thiếu cơ chế phối hợp, tập trung vốn cho các dự án đầu tư công có tính liên kết vùng, thiếu cơ chế thu hút hiệu quả nguồn vốn tư nhân tham gia thực hiện dự án vùng và bất cập, rào cản trong tiếp cận tín dụng đầu tư cho các dự án vùng.
Hội thảo "Cơ chế đặc thù phát triển vùng Đông Nam bộ: Đề xuất cơ chế tài chính và đầu tư phát triển vùng"
Hội thảo do Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp tổ chức.
Một số nút thắt trong lựa chọn dự án và cơ chế thu hút đầu tư vùng Đông Nam Bộ
Nói về đối tượng đầu tư, để tháo gỡ nút thắt hạ tầng liên kết vùng, thì hạ tầng giao thông vận tải là điểm cốt lõi. Cần kết nối hạ tầng đa phương thức (đường bộ, đường sắt, đường thủy), trong đó, tập trung vào đường bộ. Ngoài các tuyến Vành đai 3, Vành đai 4, cần phát triển các đường cao tốc xuyên tâm để nối TP.HCM ra các tỉnh, bởi nếu không có hệ thống cao tốc thì một thời gian nữa, tuyến Vành đai 3 sẽ bị quá tải.
Đề xuất phát triển hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ
Để tháo gỡ nút thắt về huy động vốn, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đề xuất thiết lập cơ chế phối hợp tập trung vốn giữa Trung ương với địa phương và giữa các địa phương. Cùng với đó là tăng cường cơ chế huy động vốn tư nhân và xây dựng mô hình hoạt động cho Quỹ phát triển hạ tầng vùng. Điều quan trọng nhất của định chế này là được tự chủ, không có bao cấp, không xin cho và vận hành theo cơ chế thị trường.
Cơ chế tài chính và đầu tư là yếu tố quan trọng cho vùng Đông Nam Bộ
Những hiến kế mang tính đột phá cho vùng Đông Nam bộ, trong đó có cơ chế tài chính và đầu tư là yếu tố quan trọng để vùng lấy lại vị thế của động lực tăng trưởng, đúng theo tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ từng khẳng định tại Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ rằng: vùng Đông Nam bộ muốn đột phá thì phải có cơ chế ưu tiên, có nguồn lực.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9