Đề xuất nên có Đại học Quốc gia tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

QUỲNH GIANG - THÁI PHƯƠNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 11/12/2023, 13:08

(HTV) - Tại Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU), Bộ GD-ĐT tổ chức tọa đàm lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tọa đàm có sự tham dự của các đại biểu đại diện tỉnh, thành và các trường đại học vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.

Theo dự thảo, tới năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển thêm 3 đại học quốc gia trên cơ sở là Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách Khoa Hà Nội; cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM trở thành các đại học thuộc nhóm hàng đầu Châu Á.

Năm 2030 có 2,75 triệu sinh viên đại học

Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, hiện cả nước có 244 cơ sở giáo dục đại học, trong đó 172 trường công lập (54 trường thuộc Bộ GD&ĐT, 26 trường thuộc các địa phương); 67 trường ngoài công lập (5 trường có vốn đầu tư nước ngoài). Ngoài ra, mạng lưới còn có 20 trường cao đẳng sư phạm (3 trường thuộc Bộ GD&ĐT, 17 trường thuộc địa phương).

Phân hiệu các cơ sở giáo dục đại học có sự phát triển, góp phần trong việc mở rộng độ bao phủ của giáo dục đại học.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Dũng cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong thực trạng mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm hiện nay.

Theo đó, các trường đào tạo giáo viên có độ bao phủ cao, song phân bổ chưa đều. Vai trò của các trường cao đẳng sư phạm ngày càng mờ nhạt, tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn.

Về đào tạo, quy mô và tỷ lệ sinh viên đại học theo học các lĩnh vực STEM thấp hơn so với các nước trong khu vực và Châu Âu, nhất là tỷ lệ nữ sinh theo học. Đặc biệt, ở ngành Khoa học cơ bản và Toán, tỷ lệ này rất thấp.

Về đào tạo sau đại học, cơ cấu quy mô theo trình độ phát triển không đồng đều. Quy mô đào tạo có xu hướng tăng trong khi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ giảm trong những năm gần đây. Đào tạo tiến sĩ phân tán, hiệu quả không cao, chưa đáp ứng được yêu cầu cân đối và đồng bộ với sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng phân tích những hạn chế trong phân bố giáo dục đại học theo vùng. Cụ thể, quy mô sinh viên tăng nhưng phân bố không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Sự khác biệt về quy mô sinh viên giữa các vùng khá lớn.

Trong đó, 26 cơ sở giáo dục đại học thuộc địa phương nhiều năm không có cải thiện nhiều về quy mô đào tạo, công tác tuyển sinh khó khăn, hoạt động kém hiệu quả.

Đầu tư cho giáo dục đại học cũng còn nhiều hạn chế. Dù nhận được sự quan tâm đầu tư ngân sách, nhưng nguồn tài chính cho giáo dục đại học chưa tương xứng với mục tiêu phát triển quốc gia trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035.

Khi so sánh với các nước có đặc điểm tương đồng, có thể thấy tỷ lệ nguồn ngân sách cho giáo dục đại học ở Việt Nam ở mức rất thấp.

Chưa kể, cơ sở vật chất, hạ tầng ở các trường đại học cũng hạn hẹp. Phần lớn các trường có diện tích nhỏ, diện tích sàn xây dựng thấp, nhất là những vùng có mức độ phát triển kinh tế cao như Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ.

Ông Nguyễn Anh Dũng cho hay, theo dự thảo quy hoạch, đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 250 cơ sở giáo dục đại học và 50 phân hiệu thuộc 200 cơ sở đầu mối, định hướng phân bố theo các vùng.

Trong đó, khoảng 30 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, gồm 5 đại học quốc gia, 5 đại học vùng và từ 18 đến 20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia.

Đến năm 2030, tổng quy mô đào tạo các cơ sở giáo dục đại học xấp xỉ 3 triệu người. Trong đó có 2,75 triệu sinh viên đại học; 210 ngàn học viên thạc sĩ; 21 ngàn nghiên cứu sinh tiến sĩ và trình độ tương đương.

Tọa đàm ghi nhận 10 ý kiến từ lãnh đạo các Sở GD&ĐT, các trường đại học, tập trung vào các vấn đề: Định hướng sắp xếp cơ cấu và phân bố mạng lưới; định hướng phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, theo vùng; mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên,...

Các ý kiến đồng tình: "Khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long nên có một đại học quốc gia". Một số lãnh đạo trường đại học ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đồng ý đề xuất thành lập một đại học quốc gia trong vùng; hoặc đề xuất bổ sung một số đơn vị giáo dục trong khu vực vào danh sách trường trọng điểm.

Dự thảo cũng nêu rõ mục tiêu tăng quy mô sinh viên đại học khối tư thục chiếm ít nhất 25% đến năm 2030. Bộ GD-ĐT cũng đã cam kết tạo điều kiện để các trường đại học tư thục nâng cao chất lượng đào tạo. Điều này tạo ra cơ hội lớn, thúc đẩy các trường đại học tư thục phát triển, đặc biệt là những trường có năng lực và uy tín đào tạo cao.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn:
Bài liên quan
(HTV) - TP.HCM công bố quyết định xếp hạng di tích cấp Thành phố.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh chặng đường tiếp theo của Việt Nam và Malaysia cũng như việc bảo đảm một hệ thống quốc tế công bằng, rộng mở phụ thuộc lớn vào sự phát triển vững mạnh của ASEAN.
(HTV) - Ngày 21/11, Mỹ và Israel đã lên tiếng phản đối quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant.
(HTV) - Ngày 21/11 (theo giờ địa phương), Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã phát lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng nước này, Yoav Gallant.
(HTV) - OPPO vừa ra mắt Find X8 Series tại Việt Nam, đồng thời với sự kiện toàn cầu diễn ra tại Bali, Indonesia. Đây là dòng flagship cao cấp nhất từ trước đến nay của OPPO, đánh dấu bước đột phá về công nghệ nhiếp ảnh và hiệu suất.
(HTV) - SABECO đã chính thức khai trương Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Ngành Bia SABECO (SRC), một dấu mốc chiến lược trong hành trình đổi mới công nghệ và khẳng định vị thế của thương hiệu Việt trên bản đồ quốc tế.
(HTV) - ​Ngày hội Công nghệ Thông tin - IT DAY năm 2024 đang diễn ra tại trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT) .