Diễn đàn bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc 2024: Chính sách bản quyền trên môi trường số

PHƯƠNG MAI - MINH KHÔI - // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 27/3/2024, 13:35

(HTV) - Hiện nay, dù pháp luật về sở hữu trí tuệ đã được phổ biến rộng rãi hơn, nhưng phần lớn người tham gia sử dụng internet vẫn chưa có nhận thức đủ và đúng, vẫn còn tâm lý khó thay đổi là "muốn sử dụng miễn phí".

Làm thế nào để kiểm soát tình trạng xâm phạm bản quyền trên môi trường số là nội dung mà các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc của Việt Nam cũng như Hàn Quốc quan tâm và thảo luận sôi nổi tại Diễn đàn Bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc năm 2024 vừa tổ chức sáng nay 26/3.

Diễn đàn Bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc năm 2024 tổ chức sáng 26/3

Diễn đàn do Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Cơ quan bảo vệ Bản quyền Hàn Quốc (KCOPA) tổ chức. Đây là một trong những hoạt động thường niên để triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Hàn Quốc được ký kết năm 2013.

Những năm qua, vấn nạn vi phạm bản quyền trong văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam vẫn diễn ra công khai. Hàng ngàn trang web, mạng xã hội vẫn vô tư sử dụng sáng tác âm nhạc, các bộ phim điện ảnh mà chưa có sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu gây tổn hại rất lớn và kìm hãm sự phát triển của Nước nhà, nhưng lại khá khó khăn trong việc xử lý dứt điểm, do khó thu thập đủ bằng chứng thiệt hại mà hoạt động này gây ra.

Vấn nạn vi phạm bản quyền trong văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam vẫn diễn ra công khai

Theo số liệu khảo sát của WIPO về đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên bản quyền thì tại các nước phát triển như Hoa Kỳ, đóng góp này chiếm khoảng 11,99% GDP và Hàn Quốc là 9,89% GDP; Trung Quốc khoảng 7,35% GDP, còn ở Việt Nam là khoảng 4,04% GDP trong năm 2022. Những số liệu này cho thấy việc bảo hộ hiệu quả quyền tác giả, quyền liên quan có vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia.

Chia sẻ với Việt Nam, trong thời đại kỷ nguyên số và Internet phát triển vô cùng mạnh mẽ này, các chuyên gia và người đứng đầu các cơ quan liên quan của Hàn Quốc đã hiến kế một số chính sách phù hợp xu hướng đã và đang đạt hiệu quả nhất định tại Hàn Quốc.

Diễn đàn Bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc năm 2024

Bên cạnh các biện pháp chế tài, quan trọng nhất là phải nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân trong việc sử dụng các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật. Khi quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ chặt chẽ thì mục tiêu: đến năm 2030 Việt Nam sẽ xây dựng được nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh, đóng góp khoảng 7% GDP của đất nước sẽ dễ dàng đạt được.

Ông Trần Hoàng bày tỏ, tại Diễn đàn bên cạnh việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm về bảo hộ quyền tác giả giữa Việt Nam và Hàn Quốc, trong đó có vai trò quan trọng của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, các nhà cung cấp dịch vụ trung gian của hai quốc gia, ông mong rằng các báo cáo viên và các đại biểu sẽ có những đề xuất giải pháp cụ thể về mặt pháp lý cũng như công nghệ để góp phần thực hiện có hiệu quả các nội dung về quyền tác giả nói chung, quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc nói riêng.

Đặc biệt, ông rất mong nhận được những bài học kinh nghiệm quý báu từ các bạn Hàn Quốc trong việc quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và phát triển công nghiệp văn hóa nói chung, công nghiệp âm nhạc nói riêng.

Các chuyên gia và người đứng đầu các cơ quan liên quan của Hàn Quốc đã hiến kế một số chính sách phù hợp xu hướng 

Diễn đàn này cũng là một cơ hội tốt để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp của Việt Nam và Hàn Quốc trong ngành công nghiệp âm nhạc trao đổi thông tin, kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong thời gian tới, Cục trưởng nhấn mạnh.

Ông Park Jung Youl - Chủ tịch Cơ quan Bảo Vệ bản quyền Hàn Quốc cho biế, đối với thời đại AI như hiện nay, tất cả những content được phổ cập trên toàn thế giới. Và việc phổ cập như vậy sẽ rất khó tìm được nguồn gốc của sản phẩm và nó đã bị xâm phạm như thế nào. Hiện chúng tôi có một phần mềm tự động để tìm kiếm và phát hiện tất cả các phần mềm đang được dùng lén để nghe lén trên toàn cầu. Từ đó chúng tôi sẽ yêu cầu đính chính, hiệu chỉnh ngay lập tức. Chúng tôi dự tính sẽ kết hợp với Việt Nam cùng nhiều nước khác để đạt hiệu quả cao nhất.

Theo bà Lee Young Ah - Trưởng phòng Hợp tác Thương mại Văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao Và Du Lịch Hàn Quốc, về xu hướng chính sách bản quyền Hàn quốc trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo: năm ngoái, chúng tôi đã xây dựng các nhóm công tác để tập trung nghiên cứu và giải quyết các vấn đề bản quyền liên quan đến nhân tố AI. Cuối năm qua, chúng tôi đã công bố hướng dẫn bảo vệ bản quyền trí tuệ nhân tạo. Và trong năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối tích cực với các giới ngành nghề, học giả để có ý kiến hài hòa nhất trong vấn để bảo vệ bản quyền.

Sau hơn 10 năm Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Hàn Quốc liên quan đến nội dung bảo vệ bản quyền, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong nhận thức về sở hữu trí tuệ, bảo vệ bản quyền.

Phát biểu tại diễn đàn, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cho biết, trong năm 2023, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ về Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan (nhằm thay thế Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và hiệu quả thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan).

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: