(HTV) - Với vai trò là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, được cộng đồng tín nhiệm, nhiều tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số điển hình, bình dị nhưng có sức lan tỏa với nhiều công trình, cách làm hay phục vụ lợi ích của cả cộng đồng.
Tiến sĩ Phú Văn Hẳn, dân tộc Chăm, là một nhà khoa học về chuyên ngành ngôn ngữ học. Ông có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Chăm nói chung và ngôn ngữ Chăm nói riêng đã công bố (in thành sách và đăng trên các tạp chí chuyên ngành) trong và ngoài nước.
Tiến sĩ Phú Văn Hẳn (Ja Samad Han) - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nhân học và Dân tộc học TP.HCM
Các công trình nghiên cứu về văn hóa Chăm nói chung và ngôn ngữ Chăm nói riêng của Tiến sĩ Phú Văn Hẳn (Ja Samad Han)
Tiến sĩ Phú Văn Hẳn (Ja Samad Han) - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nhân học và Dân tộc học TP.HCM nhận định: Việc nghiên cứu và viết sách viết báo của mình giúp cho mọi người hiểu về dân tộc Chăm, hiểu về văn hóa Chăm hơn từ chỗ đó có những thông cảm, có những chia sẻ để người Chăm cùng với các dân tộc vươn lên trên mảnh đất thành phố của chúng ta. Đồng thời là các dân tộc khác cũng hiểu nhiều hơn về cộng đồng Chăm của chúng tôi, để chúng ta cùng nhau thực hiện chính sách dân tộc ngày càng tốt hơn.
Nhắc đến bà Lý Kim Mai, tại Quận 5 ai ai cũng biết và luôn gọi với cái tên thân thương "Má Mai". Sở dĩ bà có cái tên gọi thân thương ấy vì trong lòng mọi người luôn xem Bà như người mẹ, người thân trong gia đình. Với vai trò là người đứng đầu Hội, Bà cùng với Ban chấp hành Hội xây dựng các mô hình học tập có hiệu quả; Đặc biệt là đã phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo về xây dựng và phát triển Trung tâm học tập cộng đồng, tạo điều kiện cho đông đảo người dân thực hiện mục tiêu học tập suốt đời.
Bà Lý Kim Mai - Chủ tịch Hội Khuyến học Quận 5, TP.HCM
“Má Mai” đã trở thành một điển hình tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số
Bà Lý Kim Mai - Chủ tịch Hội Khuyến học Quận 5, TP.HCM chia sẻ: “Bác Hồ có nói là khi đất nước thống nhất rồi, làm sao cho bà con mình ai cũng có cơm ăn áo mặc, có sự học hành, thì bây giờ khuyến học khuyến tài học tập suốt đời, học bất cứ nơi nào. Trước đây tôi làm Mặt trận thì, một là chúc mừng hai là cùng nhau chia sẻ những cái vui buồn của anh em, từ đó gắn liền cho nên bây giờ là các Hội quán, các đền thờ... coi mình như là người trong nhà. Luôn luôn giữa tôn giáo - dân tộc Hoa đều có một sự gắn bó, mình cố gắng không chỉ lo cho khuyến học mà lúc nào cũng sẵn sàng để hỗ trợ những gì mà quận, thành phố cần.”
“Má Mai” đã trở thành một điển hình tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, bà Trương Thị Kim Xuyến - Phó Chủ tịch Thường Trực Ủy Ban MTTQ Việt Nam Quận 5, TP.HCM chia sẻ: “Với tên gọi thân thương "Má Mai", tại Quận 5 ai cũng biết đến Má. Má cũng gắn với công tác chăm lo học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Quận 5, đặc biệt là công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Với vai trò từng là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận, Má thường xuyên đóng góp cho các phong trào, các cuộc vận động cũng như là phong trào thi đua yêu nước”.
Công tác trọng tâm nhất mà MTTQ Quận 5 hướng tới là công tác chăm lo an sinh xã hội, đảm bảo chất lượng sống tốt của người dân và hướng đến việc xây dựng Quận 5 phát triển văn minh hiện đại nghĩa tình.
Những cá nhân điển hình tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước tại địa phương và trong việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9