Độ trễ giảm lãi vay: Nỗi lo của doanh nghiệp

TRẦN HÙNG - CHU THÀNH // TRUNG TÂM TIN TỨC 4/7/2023, 15:45

(HTV) - Nhiều ngân hàng đã công bố các gói cho vay với lãi suất thấp hơn trước, tuy nhiên hầu hết chỉ áp dụng cho các khoản vay mới sắp tới. Đối với doanh nghiệp, độ trễ của các chính sách giảm lãi vay luôn rất khó nắm bắt để hưởng lợi kịp thời.

Doanh nghiệp khó nắm bắt độ trễ của các chính sách giảm lãi vay

Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung về việc tiếp tục giảm mức lãi suất. Theo đó, các tổ chức tín dụng phải thực hiện nghiêm túc cam kết giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Thực tế, dù đang nỗ lực phục hồi nhưng các doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Đơn cử như chuỗi cửa hàng cà phê Napoli, giá nguyên liệu cà phê đã tăng hơn 200% so với hồi đầu năm, lên mức khoảng 135.000 đồng/kg, mức cao nhất trong 15 năm qua. Dù chịu nhiều áp lực, nhưng chủ doanh nghiệp vẫn kiên quyết giữ giá thành phẩm. Đây là giải pháp doanh nghiệp buộc phải thực hiện khi sức mua đã giảm 40% - 60%. Trong khi đó, lãi vay ngân hàng lâu nay doanh nghiệp phải chi trả vẫn ở mức khoảng 11%/năm.

"Ở trên đưa các hỗ trợ xuống, nhưng ở dưới các ngân hàng thương mại mỗi nơi triển khai mỗi kiểu, nên vấn đề này bất cập ở cái chuyện là mình không có thông tư cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước giảm cụ thể bao nhiêu phần trăm. Mong muốn của doanh nghiệp là lãi suất càng thấp càng tốt, tốt nhất là 6% - 7%/năm", ông Nguyễn Đức Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Sản xuất - Thương mại - Xuất nhập khẩu cà phê Napoli chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Hưng chia sẻ nhiều khó khăn của chuỗi cửa hàng cà phê Napoli trong thời gian qua

Hiệu quả rõ nhất của Ngân hàng Nhà nước sau 4 lần giảm lãi suất điều hành là đã kéo giảm được mặt bằng lãi suất huy động. Chỉ riêng trong tháng 6, đã có hơn 20 ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, với mức giảm mạnh nhất là 1%/năm. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, nhưng cần có thời gian.

Hơn 20 ngân hàng đã giảm lãi suất huy động trong tháng 6

Nỗi lo của doanh nghiệp

Ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nay là 14% - 15%, nhưng qua 6 tháng, tín dụng mới chỉ tăng 3,36%. Điều này cho thấy ngân hàng rất sẵn sàng cung ứng vốn ra thị trường. Vấn đề là làm sao để ngân hàng và doanh nghiệp gặp được nhau, không chỉ về đáp ứng các điều kiện, mà phải đúng thời điểm. Bởi sự kịp thời luôn là yếu tố quan trọng để đánh giá tính hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

 

Ý kiến của bạn: