(HTV) - Kỳ họp Quốc hội chuyên trách vừa qua, dự thảo Luật Đất đai có sửa đổi rất nhiều, khoảng 2/3 điều khoản so với bản đưa ra lấy ý kiến toàn dân.
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Đến nay dự thảo hoàn thiện có 16 chương với 247 điều, tăng thêm 3 mục và bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều.
Sáng ngày 10/5/2023, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức Hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Buổi Hội thảo lần này sẽ lấy ý kiến về bản dự thảo cuối cùng được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối tháng 5.
Đại biểu đánh giá cao khi Luật Đất đai (sửa đổi) đã đề cập đến việc nâng cao quyền phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tuy nhiên đại biểu nhấn mạnh cần phải mở rộng chức năng phản biện xã hội đến Mặt trận Tổ quốc các cấp cơ sở.
Bà Trương Thị Hòa - Đoàn Luật sư TP.HCM
Bà Trương Thị Hòa - Đoàn Luật sư TP.HCM phát biểu: "Khi nói đến MTTQ đối với chính sách pháp luật đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tôi cho rằng, quy định này chỉ mới quan tâm đến việc Uỷ ban Trung ương MTTQ, chưa quan tâm đến Uỷ ban Mặt trận các tỉnh, huyện, thậm chí xã có vấn đề gì đối với quy hoạch, kế hoạch đất. Chúng ta đâu phải chỉ có quy hoạch quốc gia, còn quy hoạch ở địa phương nữa. Cho nên chúng tôi kiến nghị ở đây nên bổ sung phần phản biện đối với MTTQ các cấp và các thành viên các cấp".
Liên quan đến vấn đề giải quyết tiền thuê đất đối với các khu vực đất được sử dụng làm khu vui chơi giải trí, đại biểu cũng đã có kiến nghị.
Ông Phùng Tấn Đảm - Chi cục Thuế TP.HCM
Ông Phùng Tấn Đảm - Chi cục Thuế TP.HCM phát biểu: "Tại TP.HCM nhiều khu đất sử dụng vào mục đích vui chơi giải trí như Đầm Sen, Suối Tiên, Thảo Cầm Viên. Theo quy định thì mục đích tổng hợp, có nhiều mục đích trong đó: mục đích sử dụng chung, mục đích sử dụng riêng, mục đích có đưa vào hoạt động kinh doanh. Mục đích công cộng thì có quy định việc phân bổ đối với diện tích này, tuy nhiên đối với loại hình đặc biệt như trung tâm, khu vui chơi thì không thể xác định được diện tích nào theo từng mục đích. Phân bổ cũng không thể phân bổ được, và nếu xác định toàn bộ diện tích này để thu tiền thuê đất thì đơn vị hoạt động kinh doanh không thể hoạt động được; số tiền thuê đất vượt quá doanh thu hằng năm của các đơn vị".
Ngoài ra, vấn đề tài sản gắn liền với đất, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM đã bày tỏ ý kiến cần phải có hướng giải quyết để bảo đảm quyền lợi, tài sản cho người dân khi công chứng đất, các tài sản đi kèm, và vừa phải đảm bảo việc xác minh, giải quyết của tòa án được thuận lợi khi có tranh chấp, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Ông Nguyễn Vinh Huy - Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM
Ông Nguyễn Vinh Huy - Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM phát biểu: "Khi công chứng chỉ công chứng đất, mà thực tế lại có nhà mà chưa đăng ký, hoặc cây trồng, những công trình khác mà chưa đăng ký được. Hiện nay, còn tồn tại ở các tỉnh, đặc biệt là vùng nông thôn, vấn đề này cần phải có một hướng giải quyết để bảo đảm quyền lợi, tài sản cho người dân. Tôi đã đề xuất rồi và đề nghị cần phải bổ sung vào để việc đăng ký rõ ràng hơn. Vấn đề hậu quả ở đây khi xảy ra tranh chấp, tòa án cũng không biết giải quyết thế nào".
Nhiều đại biểu cũng đã đưa ra ý kiến về việc nên có cơ quan quyết giá đất mới khi dự án chậm triển khai. Cần phải có giới hạn trong việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất; cơ chế ngăn chặn việc gây ô nhiễm đất đai, gây thoái hóa đất, nhằm bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
>>> Xin mời quý vị đón xem chương trình thời sự của HTV lúc 20G mỗi ngày trên HTV9