(HTV) - Doanh nghiệp sẽ dễ gặp phải rủi ro nếu chỉ tập trung sản xuất kinh doanh mà không nắm chắc kiến thức pháp luật. Hiện, 97% doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đa phần không đủ nguồn lực, chi phí để bố trí cho công tác pháp chế.
Vì thế nhiều khâu liên quan đến thủ tục pháp lý còn lúng túng.
Tại hội thảo về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ do Bộ Tư pháp tổ chức tại TP.HCM, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội doanh nghiệp đã tranh luận sôi nổi về những vướng mắc pháp lý của các doanh nghiệp hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng chính sách pháp luật và thực tế còn có độ chênh, đôi khi không tránh khỏi tình trạng đúng ở thời điểm này nhưng sai ở thời điểm khác. Các thủ tục với cơ quan hành chính vẫn còn có cơ chế xin cho, quen biết.
Theo Luật sư Hoàng Cao Sang - Trung tâm Trọng tài Quốc tế Thái Bình Dương cho biết, thời điểm này là hoàn thiện hệ thống pháp luật và siết chặt vấn đề tổ chức nhà nước, doanh nghiệp, cán bộ phải ý thức rằng chúng ta phải tuân thủ quy định pháp luật theo tinh thần sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, chứ không thể tư duy theo lối mòn là quan hệ về mặt quen biết phải tư duy theo hướng đó.
Quy trình thực thi pháp luật bị méo mó sẽ dẫn đến trì trệ sự phát triển của doanh nghiệp...Vì thế, chỉ khi nắm rõ luật pháp thì doanh nghiệp mới thực sự vững vàng, tự lực xử lý tình huống xảy ra mà không phải sợ gặp rủi ro, sai luật. Ông Nguyễn Ngọc Thanh Chung, Phó Chủ tịch CLB Doanh Nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại TP.HCM cho biết cần một mạng lưới tư vấn viên về pháp lý cho các doanh nghiệp. Nhà nước nên đào tạo các nhà tư vấn từ các tổ chức hội đoàn, CLB Doanh nghiệp vì đây là cộng đồng doanh nghiệp, thì sẽ phổ biến cho doanh nghiệp nhanh hơn, thông qua cơ chế hội thảo, phổ biến pháp luật của các sở ngành.
Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến các vấn đề về pháp lý, chưa có đội ngũ cán bộ pháp chế hoặc luật sư nội bộ
Các chuyên gia cho rằng, công tác hỗ trợ tư vấn pháp lý cần khảo sát, phân loại doanh nghiệp theo nhu cầu, lựa chọn nhóm vấn đề mà doanh nghiệp thật sự cần. Xác định trọng tâm để tư vấn, tránh dàn trải.
Tiến sĩ Ngô Quỳnh Hoa - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến Giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu cần phải làm thế nào để trong thời gian tới Doanh nghiệp được tiếp cận pháp luật một cách dễ dàng hơn, một cách thuận lợi hơn và không chỉ họ được tiếp cận với pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đóng góp sức lực vào sự phát triển của đất nước. Đồng thời tham gia vào việc xây dựng thể chế chính sách của nhà nước.
Bộ Tư pháp cho biết thời gian tới sẽ triển khai nhiều chương trình nhằm nâng cao nhận thức thông qua các diễn đàn quy mô cấp tỉnh, địa phương thậm chí đến các khu công nghiệp để truyền văn bản pháp luật cho doanh nghiệp. Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hay nói cách khác bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, đó cũng chính là bảo vệ lợi ích của quốc gia.