(HTV) - Phong trào khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ được hưởng ứng mạnh mẽ tại TP.HCM. Tuy nhiên, thành phố cần không chỉ là phong trào, mà là những sản phẩm, dịch vụ phục vụ thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Những năm qua, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực khoa học công nghệ ra đời tại TP.HCM. Nhưng những trường hợp thành công và có sản phẩm, giải pháp được thị trường chấp nhận thì không phải là nhiều.
BenKon – một trong những start-up Việt đang phát triển tốt với thiết bị thông minh giúp tiết kiệm điện năng cho máy lạnh vừa được đưa ra thị trường trong năm nay. Với tính năng tự động điều tiết nhiệt độ máy lạnh phù hợp với sự thay đổi của nhiệt độ môi trường, doanh nghiệp đã đạt được thành quả bước đầu khi triển khai tại chuỗi 200 cửa hàng bán lẻ, và 600 máy lạnh trong một trường đại học.
Thiết bị thông minh giúp tiết kiệm điện năng cho máy lạnh
“Mỗi cửa hàng hay mỗi lớp học thì không có nhiều, nhưng khi chúng ta phục vụ hết quy mô hàng trăm, hàng ngàn cửa hàng thì lượng điện tiêu tốn rất khổng lồ. Do đó, việc chúng tôi có thể giúp tiết kiệm 20 - 50% năng lượng trong nhóm đó thực ra cũng tương đương với lượng năng lượng mà rất nhiều công ty khác đang cố gắng tiết kiệm ở khối tiêu thụ nhiều năng lượng như ở những nhà máy lớn”, ông Trương Minh Đạt – Giám đốc điều hành Công ty BenKon chia sẻ.
Để khởi nghiệp thành công, ý tưởng và sáng kiến là rất quan trọng, nhưng vấn đề về vốn cũng là điều kiện không thể thiếu. Bên cạnh đó, đất đai cũng rất khó tiếp cận, nhất là tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM.
Dù đang phải tạm thuê mặt bằng của một đơn vị khác, sau 5 năm hoạt động, Công ty Công nghệ Xelex đã sản xuất ra hàng chục ngàn sản phẩm điện tử, vi mạch, máy tính bảng, phục vụ cho việc chuyển đổi số của cả nhà nước và tư nhân. Để đáp ứng nhu cầu mới, doanh nghiệp cần khoảng 1 ha mặt bằng để thành lập đơn vị nghiên cứu, phát triển và vườn ươm. Tuy nhiên, để triển khai ý tưởng này với doanh nghiệp là điều không dễ.
Ông Nguyễn Ái Hữu - Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Xelex đề xuất cần phải có các khu riêng cho các doanh nghiệp lớn, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phải có khu riêng. “Vườn ươm đâu phải chỉ có con người và máy tính, mà phải có khu sản xuất thử nghiệm nữa, nên diện tích phải rộng. Nhà nước nên đầu tư trước để các doanh nghiệp thuê lại, hình thành hệ sinh thái sôi động”, ông Hữu chia sẻ.
Cảm nhận của các nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ tại TP.HCM
Đầu tháng 5/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có công văn đồng ý bổ sung Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I và II với tổng quy mô diện tích 668 ha tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Hai khu này được định hướng phát triển là khu công nghiệp công nghệ cao, trong đó quy hoạch phân khu chức năng chuyên ngành điện – điện tử, cao su – nhựa, cơ khí tự động hóa.
Đối với các khu công nghiệp đã có Quyết định thành lập nhưng chưa triển khai và các khu công nghiệp trong Quy hoạch phát triển khu công nghiệp Thành phố nhưng chưa thành lập, Thành phố sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai.
Có thể nói sau 30 năm phát triển, các khu chế xuất, khu công nghiệp đã giúp chuyển đổi các vùng nông nghiệp lạc hậu của Thành phố trở thành khu đô thị - công nghiệp phát triển. Trong bối cảnh mới, để phù hợp với xu thế, Thành phố tiếp tục có định hướng chuyển đổi mô hình các khu chế xuất, khu công nghiệp theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp sản xuất hiện nay.
Ông Ngô Đắc Thuần - Thành viên Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã có những chia sẻ với phóng viên Đài Truyền hình TP.HCM về vấn đề này.
PV: Theo ông Ngô Đắc Thuần, trong bối cảnh giá thuê đất ở TP.HCM khá cao, đâu là hướng đi thích hợp để doanh nghiệp giải quyết vấn đề đất sản xuất, nhất là tham gia vào trong các khu chế xuất, khu công nghiệp?
Ông Ngô Đắc Thuần - Thành viên Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam: “Quỹ đất của TP.HCM mặc dù không nhiều, nhưng chúng ta cũng chưa khai thác hết công suất, hiệu năng của nó. Thời gian qua, khi tôi tiếp cận với quỹ đất, nhà xưởng ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, thì hầu hết vẫn hoạt động không hết công suất, dư thừa rất nhiều. Và đó chính là chỗ mà các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có thể len lỏi, chen chân vào. Chúng ta cần phải có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cùng với hỗ trợ cho các doanh nghiệp có các khu còn thừa, nhà máy chưa sử dụng hết công suất của họ.”
PV: Về phía cơ quan quản lý, cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, không chỉ về đất đai, về vốn, mà còn các ưu đãi khác?
Ông Ngô Đắc Thuần - Thành viên Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam: “Nghị định 13 năm 2019 của Chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ đã có chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (miễn 4 năm, giảm 9 năm) cho doanh nghiệp khoa học công nghệ. Ngoài ra, trong nội hàm ưu đãi cho doanh nghiệp khoa học công nghệ, cũng có miễn thuế đất, thuế mặt nước, tiền vay ngân hàng với lãi suất thấp. Tuy nhiên những năm qua, các doanh nghiệp khoa học công nghệ chưa đạt được các ưu đãi đó. Nếu chúng ta tận dụng được Nghị định 13, sẽ giúp cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ hoặc các doanh nghiệp sắp sửa, chuẩn bị trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ có thể hưởng được những ưu đãi đó một cách kịp thời, trọn vẹn. Hiện nay các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, khi doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ thì giữa doanh nghiệp với Sở Khoa học và Công nghệ, và với Cục thuế TP.HCM vẫn chưa có tiếng nói chung, vẫn còn những rào cản vô hình hoặc hữu hình, khiến doanh nghiệp rất khó nhận được những ưu đãi theo Nghị định 13. Thứ hai, hiện nay các khu công nghiệp, khu chế xuất hay hiệp hội các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn chưa có những ưu đãi để tận dụng những không gian trống trong nhà xưởng hoặc các khu đất vốn dĩ còn dư thừa để có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Như ở Mỹ và các nước phát triển, những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo không cần đất đai nhiều, có thể chỉ cần khởi nghiệp ngay tại gara của họ, nhưng quan trọng là chiến lược, ý tưởng, sáng kiến đổi mới sáng tạo sao cho tạo sự đột phá, khác biệt và có tính mới, thì thậm chí không cần tìm, những khu công nghiệp, những tập đoàn lớn có đất đai trống, người ta có thể ưu đãi cho các doanh nghiệp có hàm lượng đổi mới sáng tạo đó.”
PV: Ông dự báo như thế nào về xu hướng khởi nghiệp sắp tới trong lĩnh vực khoa học công nghệ tại TP.HCM? Chúng ta cần đón đầu xu hướng này như thế nào?
Ông Ngô Đắc Thuần - Thành viên Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam: “Xu hướng về đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi và đột phá mới. Trong cái khó ló cái khôn, như biến đổi khí hậu, thiếu nước sạch, thiếu điện thời gian qua, đó đã vô tình tạo được động lực cho rất nhiều nhà khoa học, nhà sáng chế tạo ra các giải pháp kỹ thuật, những sáng chế như năng lượng hydro - một loại năng lượng xanh, sạch có thể bổ sung cho những năng lượng khác vốn dĩ đã hết hoặc đang quá tải. Hoặc trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo (A.I.) cũng đã được rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp chinh phục được thị trường trong nước và quốc tế. Theo dự báo chủ quan của tôi, đây sẽ là những lĩnh vực sắp tới chúng ta nên hỗ trợ. Thành phố nên có chính sách ưu đãi và khuyến khích những doanh nghiệp hoặc người dân có tiền dôi dư nên đầu tư vào đổi mới sáng tạo. Mặt khác, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cũng phải tự thân vận động để đóng gói được hồ sơ của mình, để chinh phục được những người có khả năng đầu tư cho mình một cách bài bản và linh hoạt hơn. Thứ hai là hành lang pháp lý, những cơ chế, chính sách phải đi vào thực tiễn, sâu sát để hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, kịp thời có vốn mồi dựa trên Quỹ Đổi mới sáng tạo quốc gia, đó cũng là điểm tựa, bàn đạp giúp cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo duy trì và phát triển hơn. Thứ ba là nguồn lực con người. Thành phố làm sao có chính sách vừa thu hút được nhiều chuyên gia giỏi là người Việt trên toàn thế giới, vừa thu hút được các bạn trẻ có khả năng đóng góp, hiến kế cho phát triển nhân tài của Thành phố, thì chúng ta có được một đội ngũ để phát triển những mũi nhọn sắp tới của Thành phố. Đây là một sân chơi, một môi trường mà giới trẻ có rất nhiều cơ hội vì TP.HCM là đầu tàu kinh tế, rất nhiều doanh nghiệp đóng đô trên địa bàn Thành phố, cả nội địa lẫn FDI. Làn sóng công nghệ từ quá khứ đến tương lao đều sẽ tập trung rất nhiều ở TP.HCM. Do đó, đó là môi trường để các bạn trẻ tiếp cận, gặp gỡ, giao lưu và đặc biệt là dấn thân trên từng doanh nghiệp mà họ muốn tham gia. Đây là cơ hội ngàn vàng mà các bạn nên tận dụng trong thời gian sắp tới.”
PV: Xin cám ơn ông về những thông tin hết sức hữu ích cho khán giả của HTV!
>>> Xin mời quý vị đón xem những hình ảnh, thông tin chi tiết hơn trong chương trình thời sự của HTV lúc 20h trên HTV9