Duy trì động lực tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

HOÀNG HƯƠNG - NGỌC TUẤN // VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HTV TẠI HÀ NỘI 1/6/2023, 08:00

(HTV) - Các đại biểu Quốc hội quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19, nếu lãi suất cho vay vẫn còn ở mức cao hoặc tiếp cận với lãi suất thấp thì thủ tục vay còn nhiều rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về việc đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; đồng thời thông qua tình hình thực hiện kế hoạch trong những tháng đầu năm 2023. Nêu rõ kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội từ năm 2022 đến những tháng đầu năm 2023 với tình hình tương đối khả quan.

Nhiều đại biểu đã cho biết rằng, ngoài những thành tựu được đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế tồn tại, bao gồm sự chững lại của một số ngành, tình trạng tồn đọng vốn đầu tư, tỷ lệ giải ngân thấp, tăng cao tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên, giảm thu ngân sách, tăng số lượng doanh nghiệp rời thị trường và tăng cao số lượng doanh nghiệp mới được thành lập.

Cuộc họp Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết: "Việc sử dụng nguồn lực chi tiêu công hiệu quả là một nguồn lực rất lớn để thúc đẩy nền kinh tế, sản xuất và tiêu dùng. Đồng thời, cần linh hoạt trong sử dụng tồn dư ngân quỹ của nhà nước để hỗ trợ đào tạo nghề cho các lao động, cung cấp hỗ trợ cho những người lao động mất việc làm để đảm bảo sự ổn định và kích thích nền kinh tế. Bên cạnh đó, các chính sách như giảm thuế VAT, giảm thiểu thủ tục cho vay vốn hỗ trợ cho các đối tượng ưu tiên cũng sẽ đóng góp vào sự kích thích nền kinh tế".

Đại biểu Ma Thị Thủy - Đại biểu Quốc hội Tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh: "Chính phủ cần có cơ chế và chính sách riêng biệt, cụ thể về đầu tư công, đồng thời quyết tâm và nỗ lực hơn nữa để tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là vướng mắc về thể chế và văn bản hướng dẫn cho các địa phương. Bà đã đề xuất việc đẩy mạnh phân cấp và giao quyền cho địa phương để chủ động thực hiện và tự chịu trách nhiệm cụ thể như việc phân cấp chuyển mục đích sử dụng đất lúa và rừng. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, và địa phương cần tập trung triển khai các giải pháp quyết liệt, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công và đánh giá đúng tình hình để nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư và dự án".

Đại biểu Ma Thị Thủy - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh Tuyên Quang

Ngoài ra, các đại biểu quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19 và cho rằng, nếu lãi suất cho vay vẫn còn ở mức cao hoặc tiếp cận với lãi suất thấp thì thủ tục vay còn nhiều rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn để phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh Quảng Trị đề xuất cần rà soát và tháo gỡ ngay các rào cản về thể chế và các quy định cứng nhắc, cũng như siết chặt mức độ hạn chế các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần khơi thông dòng vốn tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao cạnh tranh và giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh Quảng Trị

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh Bắc Ninh đã đưa ra ý kiến về đối tượng và thời gian kết thúc của 3 gói tín dụng này, cho rằng chúng đang trùng lặp nhau khi đều kết thúc vào cuối năm 2023. Vấn đề đặt ra là liệu gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có khả thi hay không, khi mà 2 gói tín dụng trước đó vẫn chưa được hấp thụ hết.

Đại biểu đã kiến nghị rằng, trên cơ sở dự báo kinh tế, cần có khuyến cáo để các doanh nghiệp và hộ gia đình chủ động hạn chế đầu tư và mở rộng năng lực sản xuất. Họ cũng nên tổ chức lại sản xuất, sử dụng lao động luân phiên và hạn chế việc sa thải đột ngột, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người lao động.

>>> Xin mời quý vị đón xem Chương trình Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: