Thực hiện chủ trương đầu tư phương tiện vận tải sử dụng năng lượng sạch trên địa bàn TP.HCM, tính đến đầu tháng 03/2023, hệ thống xe buýt tại TP.HCM có gần 500 xe sử dụng năng lượng sạch – khí thiên nhiên nén (CNG).
Ảnh: Trung tâm tin tức HTV
Hiện TP.HCM có 2.043 xe buýt tham gia hoạt động trên 127 tuyến, trong đó 1.547 xe buýt sử dụng nhiên liệu dầu diesel và 496 xe buýt sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên nén (CNG).
Ảnh: Trung tâm tin tức HTV
Tuy nhiên, theo Sở GTVT TP.HCM, tình hình hoạt động của xe buýt CNG đang có một số khó khăn, do hiện chỉ có một doanh nghiệp đầu tư trạm cấp và quyết định giá bán nhiên liệu CNG nên về nguồn cung cấp nhiên liệu bị phụ thuộc vào đơn vị này. Trên địa bàn thành phố cũng chỉ có 3 trạm nạp khí CNG cho xe buýt, với công suất phục vụ 180 lượt xe/ngày. Việc hệ thống trạm cung cấp nhiên liệu CNG quá ít nên không thuận tiện cho việc nạp bổ sung nhiên liệu.
Ảnh: Trung tâm tin tức HTV
Bên cạnh đó, chi phí đầu tư mua mới xe buýt CNG có giá cao hơn so với loại xe tương tự sử dụng nhiên liệu diesel từ 20% đến 50% nên hạn chế việc đầu tư của các doanh nghiệp vận tải.
Ảnh: Trung tâm tin tức HTV
Vì vậy, Sở Giao thông Vận tải đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố xem xét, tổng hợp ý kiến kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên ban hành khung pháp lý đồng bộ về phát triển năng lượng tái tạo phù hợp nhằm huy động, tận dụng tất cả các nguồn lực trong xã hội để nhanh chóng tiến tới thực hiện cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ. Hệ thống hạ tầng trạm sạc, hạ tầng phục vụ bảo trì bảo dưỡng phương tiện phải được đầu tư song hành với việc phát triển xe buýt điện. Tích cực tham gia góp ý của Bộ Giao thông Vận tải về xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bãi kỹ thuật xe buýt trong thời gian tới.