Để TP.HCM thu hút nhà đầu tư chiến lược thuộc Nghị quyết 98

HỒNG DIỄM - MINH TẤN - QUỐC KHANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 13/3/2024, 12:47

(HTV) - TP.HCM đã chủ trương chuyển dịch cơ cấu lĩnh vực công nghiệp TP.HCM theo hướng tăng hàm lượng giá trị gia tăng cao, giảm thâm dụng lao động, đặc biệt là ứng dụng công nghệ mới.

Đây vừa là động lực, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức cho việc thu hút nhà đầu tư chiến lược của TP.HCM.

Tại Tọa đàm khoa học: "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp tại TP.HCM gắn với các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược thuộc Nghị quyết 98 của Quốc hội" do Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức, nhiều đề xuất đã được nêu ra để tìm lời giải cho bài toán này.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức tọa đàm khoa học: "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp tại TP.HCM gắn với các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược thuộc Nghị quyết 98 của Quốc hội" ngày 12/3/2024.

TP.HCM cần tập trung thu hút được những ngành công nghiệp không tham dụng quỹ đất, lao động

Các chuyên gia thẳng thắn nhìn nhận: TP.HCM có lợi thế về đất làm đô thị, dân cư, thương mại dịch vụ nhưng không có lợi thế về đất công nghiệp. Do đó, TP.HCM cần tập trung thu hút được những ngành công nghiệp không tham dụng quỹ đất, lao động nhưng tạo ra được giá trị gia tăng cao, ví dụ như công nghiệp bán dẫn, vật liệu mới, công nghiệp dược phẩm, kinh tế tuần hoàn,…

Ngành công nghiệp đang thiếu những con "Sếu đầu đàn"

Các chuyên gia cho rằng, TP.HCM cần tính toán quỹ đất cho công nghiệp về dài hạn, ở cả khu công nghiệp hiện hữu và một số khu công nghiệp trong tương lai sẽ chuyển đổi chức năng, trong đó phải đặt trong mối liên kết vùng Đông Nam Bộ. 

Tiến sĩ - Kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM

Tiến sĩ - Kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM cho biết: "Những khu công nghiệp hiện hữu, một số gắn với Vành đai 2, một số gắn với Vành đai 3 - đối với nhóm này chúng ta sẽ định hướng chuyển đổi dần sang mô hình công nghiệp gắn  với hàm lượng tri thức công nghệ cao. Nhóm công nghiệp thứ hai đó là phát triển mới, chúng tôi định hướng ở khu vực Vành đai 3, Vành đai 4. Vùng lõi TP.HCM có thế mạnh về nhân lực, dịch vụ, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với thế mạnh của cả vùng này về đất đai, về hạ tầng. Như vậy, chúng ta kết hợp các thế mạnh, các nguồn lực để phát triển bài toán công nghiệp, không tách rời bài toán dịch vụ, bài toán về con người, về chất lượng sống và chuyển đổi đô thị gắn với chuyển đổi công nghiệp”.

Ngành công nghiệp thành phố được định hướng phát triển theo chiều sâu, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững. Để làm được điều này, dù đối với KCN chuyển đổi chức năng hay KCN mới, thì chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho chủ thể chính là doanh nghiệp phải được đặc biệt quan tâm. 

Đề xuất của doanh nghiệp về chính sách hỗ trợ

Nghị quyết 98 đã phân quyền, phân cấp cho HĐND TP.HCM ban hành quy định cụ thể trong từng lĩnh vực để xác định tiêu chí nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, hiện nay còn vướng ở quy trình chọn nhà đầu tư chiến lược. 

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Thực hiện Nghị quyết 98 cho biết: "Hiện nay, TP.HCM đang xin Chính phủ một Nghị định mở rộng phân cấp phân quyền tiếp, đặc biệt là quy trình, thủ tục để thành phố sau khi có quyết định chọn nhà đầu tư thì áp dụng một quy trình, thủ tục phù hợp để có thể thu hút được. Tôi ví dụ: Nếu nhà đầu tư chiến lược do chúng ta mời mà bắt họ phải tham gia đấu thầu thì rất khó khăn. Làm thế nào để chúng ta chọn đúng, dĩ nhiên không có tiêu cực ở đây. Nghị quyết 98 đã mở và tiếp tục hoàn thiện về quy trình, thủ tục nữa, như vậy sẽ tạo điều kiện cho Thành phố thu hút được các nhà đầu tư chiến lược thuận lợi hơn".

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Thực hiện Nghị quyết 98

Định hướng chuyển đổi 5 Khu công nghiệp - Khu chế xuất

Theo Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, mục tiêu giai đoạn năm 2024 - 2025, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP thành phố đạt khoảng 18 - 20%, đến năm 2030, đạt khoảng 20 - 22%. Trước mắt, trong giai đoạn hiện nay, TP.HCM phải xây dựng được doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế, chuyển đổi thành công thí điểm 5 KCN - KCX. 

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: