(HTV) - Mỗi ngành đều có "Dấu chân carbon" riêng. Xây dựng và các tòa nhà ở Việt Nam chiếm 35 - 40% tổng tiêu thụ năng lượng và thải ra 12% khí nhà kính, tỷ lệ cao so với thế giới.
Áp lực thu hẹp “Dấu chân carbon” đối với ngành bất động sản đang lớn dần. Cùng phân tích lý do cùng với khách mời - bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam, thành viên của Cushman & Wakefield - một trong những công ty dịch vụ bất động sản lớn nhất thế giới.
Trong suốt 15 năm qua, số lượng công trình xanh của Việt Nam chỉ ở khoảng trên 300 công trình với tổng diện tích trên dưới 7,2 triệu mét vuông sàn xây dựng. Với quy mô của ngành bất động sản Việt Nam, đây là con số khá khiêm tốn.
Lý giải về việc số lượng công trình xanh hiện nay còn hạn chế, bà Trang Bùi cho rằng có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất là do chủ thể chính – người mua của phân khúc chủ động là nhà ở chưa thực sự quan tâm đến các công trình xanh. Thay vào đó, người mua chủ yếu chỉ quan tâm đến giá cả và vị trí căn nhà.
Biểu đồ cột thể hiện mức tăng trưởng của các phân khúc thị trường bất động sản Việt Nam 10 năm qua
Thứ hai, ngành bất động sản có mối quan hệ mật thiết với nhiều ngành nghề khác, bao gồm: thiết kế công trình, nhà thầu xây dựng, vật liệu. Tuy nhiên, có trường hợp chủ đầu tư muốn làm công trình xanh, nhưng nhà thầu và đơn vị thiết kế vẫn chưa thể đáp ứng đúng yêu cầu.
Thứ ba, việc xin thủ tục đối với công trình xanh sẽ mất nhiều thời gian hơn so với công trình thông thường.
So với giai đoạn trước, áp lực giảm phát thải hay thu hẹp "Dấu chân carbon" đối với ngành bất động sản hiện nay đang lớn dần.
Bà Trang Bùi dẫn ví dụ ở phân khúc lớn thứ hai của thị trường là phân khúc bất động sản công nghiệp và bất động sản nhà kho. Phân khúc này phục vụ cho các nhà máy. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lớn mở nhà máy hoặc thuê nhà máy sản xuất tại Việt Nam có trụ sở chính tại khu vực Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc. Đây là những doanh nghiệp toàn cầu có tiêu chí rất rõ ràng về giảm phát thải. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chủ đầu tư tại Việt Nam, dù muốn hay không, đều phải tuân thủ nếu muốn thu hút được các doanh nghiệp. Điều này cũng tương tự đối với phân khúc văn phòng cho thuê.
Đầu tư cho công trình xanh tạo áp lực không nhỏ về bài toán tài chính đối với doanh nghiệp, song giá trị cho hiện tại và tương lai là rất lớn. Theo bà Trang Bùi, để phát triển công trình xanh, bên cạnh vốn chủ sở hữu và vốn vay ngân hàng, chủ đầu tư cần khai thác nguồn vốn huy động từ các quỹ lớn.
Bất động sản có mối quan hệ mật thiết với 40 ngành nghề khác. Do đó, nếu bất động sản thu hẹp dần "Dấu chân carbon" thì cũng sẽ tác động tích cực đến các ngành nghề khác.
Hành trình thu hẹp "Dấu chân carbon" không hề dễ dàng. Tuy nhiên, với nỗ lực của các doanh nghiệp, các địa phương, và kế hoạch hành động của Chính phủ Việt Nam, chuyên gia tin tưởng, kích thước của “Dấu chân Carbon” sẽ hẹp dần, góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu đến năm 2050 phát thải ròng bằng 0.