(HTV) - Với mức độ tăng trưởng nhanh, trung bình từ 16-18% mỗi năm, ngành nhựa được coi là một ngành tăng trưởng năng động trong nền kinh tế nước ta.
Đi kèm với sự phát triển là bài toán về môi trường, khi hiện nay, các nước trên thế giới đều chuyển sang xu hướng kinh tế xanh, thân thiện môi trường, đòi hỏi Việt Nam cũng cần thay đổi để phù hợp với xu thế chung và phát triển bền vững. Việc giảm thiểu nhựa ngay từ chính khâu sản xuất, tái chế nhựa được coi là một trong những giải pháp then chốt vừa hạn chế rác thải ra môi trường, vừa tăng tỉ lệ nội địa hóa ngành nhựa.
Các sản phẩm được tái chế từ rác thải nhựa
Các sản phẩm như văn phòng phẩm, dụng cụ nhà bếp cho đến vách nhà, tấm tôn đều được tái chế từ rác thải nhựa. Vừa có tính ứng dụng, độ bền cao, lại hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, tuy nhiên đến nay, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ nhựa tái chế vẫn đối mặt nhiều thách thức cả đầu ra lẫn đầu vào.
Ông Huỳnh Phước Lộc - Giám đốc Điều hành nhà máy, Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 chia sẻ về thách thức của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ nhựa tái chế: “Vấn đề thu gom rác thải nhựa để tái chế vẫn chưa thuận lợi do hiện nay vẫn chưa thực hiện đồng bộ việc phân loại rác, và sản xuất ra các sản phẩm tuy là vẫn đạt được độ bền tuy nhiên vẫn khó tiếp cận với người tiêu dùng bởi giá cả và tên tuổi. Hy vọng thời gian tới được hỗ trợ về truyền thông, về khâu thu gom, xử lý chất thải thì mới có cơ hội phát triển.”
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới bao bì "xanh"
Những năm gần đây, ngành sản xuất bao bì thân thiện với môi trường cũng ngày càng xuất hiện nhiều hơn, thay thế dần nguyên liệu nhựa thành các hợp chất sinh học dễ phân hủy. Dù vậy vẫn chưa thể cạnh tranh được với bao bì nhựa thông thường trên thị trường.
Bao bì “xanh” chưa thể cạnh tranh với bao bì nhựa
Rào cản về kỹ thuật, công nghệ cũng là bức tường lớn đối với các doanh nghiệp trong thị trường này. Giảm nhựa trong sản xuất là một giải pháp nhưng để có giải pháp giảm nhựa doanh nghiệp cần hơn nữa sự đồng hành của các chuyên gia, tổ chức và chính sách của Nhà nước.
Rào cản về kỹ thuật, công nghệ cũng là bức tường lớn đối với các doanh nghiệp
Ông Gary Ogden - Giám đốc Kỹ thuật, Tập đoàn Wells Performance Materials, Vương quốc Anh đánh giá: “Tôi đánh giá cao sự nỗ lực của Việt Nam đặc biệt là các doanh nghiệp trong việc thực hiện cắt giảm nhựa trong đời sống và sản xuất. Tôi cũng hy vọng mình có thể hỗ trợ được một phần từ những nghiên cứu của mình. Trong đó có công nghệ revert, bao gồm hỗn hợp phụ gia, làm thay đổi cấu trúc phân tử thành vật liệu không phải vi nhựa, vô hại và có thể phân hủy sinh học bởi các sinh vật trong môi trường.”
Ông Chung Tuấn Cường - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM
Ông Chung Tuấn Cường - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM chia sẻ thêm:“Hiệp hội với vai trò của mình luôn là cầu nối để tìm kiếm các chuyên gia mang lại giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp trong việc sản xuất nhựa thân thiện môi trường và tái chế. Đồng thời cũng tạo điều kiện, hỗ trợ cải tiến máy móc và kỹ thuật”.
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với người tiêu dùng và các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm nhựa thông qua việc phổ biến kiến thức pháp luật, hướng dẫn thực thi những quy định về môi trường, giới thiệu công cụ kinh tế tuần hoàn, qua đó xử lý vấn đề chất thải, thúc đẩy công nghiệp tái chế, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9