(HTV) - Quốc tế hoá giáo dục Đại học là con đường phát triển của Đại học, bao gồm cả đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản trị. Để làm được điều này, cần có sự tham khảo các chương trình uy tín trên thế giới.
Nhiều học giả, nhà nghiên cứu và các nhà hoạt động giáo dục ở Châu Á đã mang đến hội thảo những mô hình và giải pháp giáo dục mới gắn với công nghệ.
Ông Johnson Paul - Chủ tịch Tổ chức Phát triển Xã hội Châu Á cho biết Giáo dục Đại học Việt Nam đã có nhiều bước tiến, với môi trường và chính sách nhiều thay đổi. Nhưng vẫn còn rất nhiều nội dung để các bạn phải cập nhật, đặc biệt là các giải pháp giáo dục tiên tiến quan tâm đến quyển lợi của người học, hay trình độ của giảng viên, người hướng dẫn. Tất cả đều phải tận dụng sự phát triển của E-machine và A.I.
Ông Johnson Paul - Chủ tịch Tổ chức Phát triển Xã hội Châu Á
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phan Thanh Bình nêu quan điểm về vấn đề nhân văn, vấn đề xã hội khoa học, đạo đức của con người rất quan trọng trong xã hội hiện đại. Tôi thấy những học giả đến từ Singapore, Nhật Bản có mang những mô hình hay, rất đáng để học tập.
Giáo sư - Tiến sĩ Trình Quang Phú - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phương Đông chia sẻ: "Chúng tôi sẽ làm nhiều hội thảo như thế này nữa, làm đến khi nào mà các trường thay đổi được tư duy giáo dục Đại học, đến khi nào mà chính sách, pháp luật về hoạt động trường Đại học thay đổi thì mới có thể phát triển mạnh mẽ giáo dục Đại học được".
Nhiều đại biểu kiến nghị Nghị quyết 77 về thí điểm giáo dục Đại học đã hết hiệu lực, cần thay thế bằng chính sách khác. Sự mong đợi của khối đại học Công lập là xoá bỏ cơ chế bộ chủ quản, đi kèm thay đổi cơ bản trong quản lý nhà nước về giám sát, xử lý sai phạm gắn với quy định của Nhà nước, đồng thời giao quyền tự chủ cho các trường Đại học, tạo công bằng giáo dục với chính sách tín dụng sinh viên, gắn đào tạo và sử dụng lao động, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9