(HTV) - Sau thời gian lâm trọng bệnh, vì tuổi cao sức yếu, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân đã từ trần lúc 7h sáng 19/8 tại TP.HCM.
Sinh ra tại An Giang, Giáo sư Võ Tòng Xuân được biết đến là chuyên gia hàng đầu, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học, nghiên cứu về nông nghiệp của Việt Nam. Ông ra đi và để lại sau lưng một di sản vô giá, một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, tinh thần lao động sáng tạo, và sự cống hiến không ngừng nghỉ.
Cây lúa, hạt gạo là hình ảnh đi cùng Giáo sư Võ Tòng Xuân trong suốt sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình. Ông là "cha đẻ" của nhiều giống lúa ngon của vùng ĐBSCL.
Đặc biệt là giống IR36 được cho là "một cuộc cách mạng" giúp khống chế được dịch rầy nâu, năng suất lên tới 8 - 9 tấn/hecta.
Đóng góp này giúp ông trở thành nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng VinFuture năm 2023.
Ông Nguyễn Phước Tuyên, Chuyên Gia Nông Nghiệp Đồng Bằng Sông Cửu Long cho biết, năm 1978 dịch rầy nâu, giống lúa kháng rầy thầy Xuân mang về kháng được rầy nâu. Đến thập niên 1980, Việt Nam bắt đầu quan tâm giống lúa chất lượng cao, thì những giống MT vừa kháng rầy vừa dẻo thơm. Dấu ấn thầy Xuân trong canh tác lúa là chuyển từ thiếu ăn sang đủ ăn. Rồi đến xuất khẩu với giá trị cao để làm giàu.
Tiến sĩ Trần Minh Hải
Lần đầu tiên được làm việc với Giáo sư Võ Tòng Xuân năm 1998, với Tiến sĩ Trần Minh Hải, đó là người thầy mà ông luôn kính trọng, vì tấm gương sáng về lòng kiên trì, đam mê và trách nhiệm, không ngừng truyền lửa để đào tạo ra thế hệ kế cận xuất sắc. Theo ông Hải, Giáo sư Võ Tòng Xuân là người truyền lửa cho cộng đồng, thầy có chương trình khuyến nông, đào tạo cho nhiều đội ngũ nhà khoa học công tác khuyến nông. Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng là người đào tạo ra nhiều thế hệ nhà khoa học giỏi. Một trong những học trò của thầy là ông Hồ Quang Cua, tác giả giống gạo ST25. Ông Cua học phương pháp lai tạo từ Giáo sư Võ Tòng Xuân.
Những đóng góp của Giáo sư Võ Tòng Xuân cho nông nghiệp không chỉ được ghi nhận lại thông qua những đề án lớn, mà còn ở chính mỗi người nông dân có may mắn được tiếp xúc, làm việc với ông. Anh Nguyễn Văn Chọn, Xã Trường Xuân, Huyện Tháp Mười, Tỉnh Đồng Tháp nhớ lại về những lần đã gặp Giáo sư Võ Tòng Xuân, có khi 1 mùa vụ thầy về thăm nông dân 1 lần. Có khi Tết thầy quay về với bà con nông dân, ăn tết chung với bà con nông dân thường xuyên. Thầy, cô và gia đình cũng ghé qua đây rất nhiều lần để thăm bà con vùng Đồng Tháp Mười. Rất là gần gũi, rất thân thiện với bà con nông dân. Bà con mỗi lần thầy đến cũng rất vui vẻ.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao
Nhắc về đóng góp của Giáo sư Võ Tòng Xuân, Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, mối quan tâm lớn nhất của Giáo sư là làm sao cho đời sống người nông dân bớt nghèo. Và cách làm là bảo tồn tài nguyên bản địa, thông qua việc bảo tồn bộ gen giống cổ truyền của Việt Nam, cũng như đưa ra mô hình canh tác làm sao để có năng suất cao nhất. Một công việc mà Giáo sư Võ Tòng Xuân đeo đuổi suốt đời là đào tạo ra những lớp cán bộ chuyên môn về nông nghiệp và các dịch vụ khác liên quan đến nông nghiệp. Đó 2 điểm nổi bật nhất trong sự nghiệp của Giáo sư Võ Tòng Xuân.
Những di sản mà Giáo sư Võ Tòng Xuân để lại tiếp tục là nguồn cảm hứng và hướng dẫn cho thế hệ tương lai, góp phần xây dựng một ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
Sáng 19/8, lãnh đạo các tỉnh, thành như Cần Thơ, An Giang, Trường đại học Cần Thơ, nhiều thế hệ sinh viên cũng đã đến viếng giáo sư Võ Tòng Xuân tại nhà tang lễ TP Cần Thơ.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9