(HTV) - Bộ Khoa học và Công nghệ đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng một Đề án phát triển hệ thống các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2035, trình Chính phủ ngay trong tháng 01/2024.
Trong đó, nguồn lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ là vấn đề quan trọng cần phải giải quyết.
Nguồn lực rất quan trọng cho một doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng và một hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung. Theo một thống kê, có 7 nguồn lực phổ biến, bên cạnh nguồn lực tài chính, còn có nguồn lực về con người, vật chất, công nghệ, thương hiệu, quan hệ và cuối cùng là nguồn lực tri thức.
Doanh nghiệp khởi nghiệp tận dụng mọi nguồn lực phát triển
Thực tế, đang có nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ cũng như các vườn ươm, nhà đầu tư, nhưng nhiều startup vẫn cho rằng không đủ nguồn lực để phát triển. Các chuyên gia cho rằng các startup cần chủ động hơn trong việc gọi vốn, tham gia hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở.
Hiện nay, 60 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.
Gần 40 tỉnh, thành phố đã ban hành nghị quyết của HĐND quy định cơ chế tài chính cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Gần 20 địa phương đã và đang xây dựng Đề án hình thành Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong hoạt động của những trung tâm này.
Hệ sinh thái mở: Nơi quy tụ nguồn lực cho khởi nghiệp
Theo Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh - Chuyên gia tư vấn Tái cấu trúc Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh, hệ sinh thái mở cần có những trụ cột quan trọng. Thứ nhất là vấn đề về tiêu chuẩn, như chuyên viên, chuyên gia cần có bằng cấp như thế nào. Thứ hai là cần phải kết nối quốc tế, tức là các trung tâm phải có các tiêu chuẩn quốc tế, có thể tương đồng với các trung tâm ở Malaysia, Thái Lan, Israel. Thứ ba là cần phải có khung tri thức nền tảng. Khi mở như vậy, thì chúng ta cũng cần phải sòng phẳng và minh bạch.
Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh cũng chia sẻ rằng: “Khi chúng ta mở ra và làm cùng nhau, cần phải xác định là khi đã hình thành nên các giá trị thì các giá trị đó được chia đều cho tất cả các đối tác, cho xã hội, cho startup, cho doanh nghiệp, cho thành phố, cho tỉnh,...
Cần phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Để hỗ trợ tốt cho startup, bản thân lãnh đạo của Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cũng phải là một startup, cần phải tư duy về chuỗi giá trị của startup, đầu tiên là ý tưởng, phát triển ý tưởng, có sản phẩm hoàn thiện và mang ra thị trường, rồi thành lập doanh nghiệp để bán sản phẩm, tiếp đến là gọi vốn.
Trong từng bước như vậy, startup sẽ có những yêu cầu về hỗ trợ rất khác nhau. Hay nói cách khác, cùng là Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nhưng có trung tâm chỉ hỗ trợ ở giai đoạn đầu, có trung tâm chỉ hỗ trợ ở giai đoạn sau, hoặc có những trung tâm lớn như TP.HCM, Hà Nội có năng lực hỗ trợ cho cả chuỗi giá trị. Như vậy, lãnh đạo các trung tâm cũng phải tư duy như một doanh nghiệp là chúng ta cần phải có chiến lược, tập trung vào trong chuỗi giá trị hay một phần giá trị, rồi chúng ta cần phải tập trung trong những ngành nào thôi.
Đối với một tổ chức thì con người là quan trọng nhất. Do đó khi thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thì cần phải xem đã có đủ nguồn lực chưa, có đủ chuyên gia để hỗ trợ cho các doanh nghiệp chưa. Cuối cùng, các trung tâm cũng cần phải bản kế hoạch kinh doanh, kế hoạch hành động, có những mục tiêu và KPI hàng năm. Và bản kế hoạch này cần phải được tích hợp chung với Kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh, khu vực".
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9