(HTV) - Tận dụng khoảng thời gian đất nhàn rỗi sau vụ muối, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi tôm hoặc cua. Các mô hình kết hợp này ngày càng lan rộng và bước đầu đem lại kết quả tích cực.
Mùa muối chính vụ ở Cần Giờ bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 5 dương lịch. Việc kết hợp sản xuất muối và nuôi trồng thủy sản đã cho thấy người dân đã chủ động thay đổi cơ cấu sản xuất để cải thiện kinh tế.
Bà con tận dụng ruộng muối lúc nhàn rỗi để nuôi thủy sản
Tiếp quản nghề của ông bà để lại được 20 năm, anh Huỳnh Công Toàn ở xã Lý Nhơn nhận thấy, nếu chỉ sản xuất muối thì diện tích đất không thể khai thác hết giá trị. Bên cạnh đó, những tháng nông nhàn, lao động cũng sẽ không có thu nhập. Vì vậy anh Toàn đã kết hợp nuôi trồng thủy sản một vụ muối, một vụ tôm đã giúp gia đình anh cải thiện đáng kể về kinh tế.
Việc kết hợp sản xuất muối và nuôi trồng thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người lao động
Với khoảng 1 hecta đất, anh Hồ Thanh Sang ở xã Lý Nhơn chia đôi diện tích, vừa nuôi tôm vừa làm muối. Cũng như nhiều bà con khác, ngoài sản xuất bằng phương pháp truyền thống, ngày nay anh Sang cũng mạnh dạn ứng dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm làm tăng cả về số lượng cũng như chất lượng muối và thủy sản. Đặc biệt đối với phần đất làm muối, sau khi thu hoạch xong, anh linh hoạt chuyển đổi sang nuôi tôm, điều này này giúp đời sống của anh Sang cũng như bà con nơi đây ngày càng được cải thiện, từ đó gắn bó hơn với nghề.
Lợi ích kinh tế từ việc nuôi đan xen thủy sản trên ruộng muối
Anh Hồ Thanh Sang - ngụ tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP.HCM chia sẻ: “Đất được chia làm 2 mùa. Nắng làm muối, mưa thì nuôi tôm cua kiếm thêm. Xưa mình làm muối đất, giờ thì trải bạt, sản lượng cao hơn, muối đẹp hơn, giá cả bán được hơn. Mãn mùa muối thì nuôi tôm thả lan.Tôm cua có diện tích riêng là 30 sàn. Làm muối và nuôi tôm 1 năm thì ổn định kinh tế”.
Sự chuyển đổi linh hoạt này cũng đúng với định hướng phát triển nền nông nghiệp đô thị của TP.HCM trong giai đoạn hiện nay. Bởi thành phố đang ưu tiên phát triển nông nghiệp theo chiều sâu để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Sự chuyển dổi linh hoạt này giúp nền nông nghiệp đô thị TP.HCM phát triển
Ông Võ Văn Phẳng - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Cần Giờ, TP.HCM cho biết, thu nhập từ muối khoảng 150 triệu/năm. Kết hợp nuôi thủy sản, giá trị mang lại thêm khoảng 50-100 triệu đồng/năm.
Ông Võ Văn Phẳng - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Cần Giờ, TP.HCM chia sẻ lợi nhuận kinh tế cụ thể từ mô hình nuôi trồng trên
Ông Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch Uỷ Ban Nhân dân huyện Cần Giờ, TP.HCM cho biết, trên tinh thần đó thì huyện Cần Giờ cũng kết nối nhà nông, doanh nghiệp, ngân hàng để hỗ trợ vốn vay tập trung đầu tư sản xuất kinh doanh làm muối và thủy hải sản.
Sự hỗ trợ của thành phố tập trung chính vào việc chuyển đổi mô hình, đầu tư công nghệ cao theo đúng định hướng của một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị. Sự thay đổi từ mô hình sản xuất mới giúp tăng năng suất lẫn chất lượng muối và thủy sản trên địa bàn huyện Cần Giờ cho thấy, chính sách hỗ trợ của trung ương và thành phố đang đi đúng trọng tâm, trọng điểm, giúp đời sống người dân miền biển ấm no, sung túc hơn.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9