Phim Tài liệu

Hồ Biểu Chánh – Người kể chuyện đời

Hồ Biểu Chánh là một nhà văn Nam bộ được độc giả hết sức mến mộ, đặc biệt là độc giả bình dân. Sự mến mộ ấy đã được thời gian kiểm nghiệm, được thử thách bởi những quan niệm khác, thậm chí phiến diện, sai lệch.

Nhà văn Hồ Biểu Chánh và một số tác phẩm của ông

Nếu đếm về số lượng tác phẩm thì ông là một tác giả viết nhiều tiểu thuyết nhất. Trọn đời mình, ông viết cả thảy gồm 64 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn và truyện kể, 12 vở hài kịch và ca kịch, 5 tập thơ và truyện thơ, 8 tập ký, 28 tập khảo cứu – phê bình. Với số lượng đồ sộ ấy thì làng văn Việt Nam khó ai sánh kịp. Đặc biệt, tiểu thuyết được chuyển thành phim thì có lẽ ông cũng dẫn đầu về số lượng và cả sự ăn khách.

Hồ Biểu Chánh là nhà văn tiền phong của miền Nam, tên thật là Hồ Văn Trung, bút hiệu Thứ Tiên, tự là Biểu Chánh. Ông sinh ngày 1/10/1885, tại làng Bình Thành, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang trong một gia đình nghèo, nhưng Nội tổ hồi trước lập làng nên có bảng vị Tiên hiền thờ trong đình thần, và thân phụ được tham dự trong Ban Hội hương chánh lần tới chức Hương chủ và Chánh bái. Khi viết văn ông lấy tên tự ghép với họ, viết là “Hồ Biểu Chánh”. 

Năm 8 tuổi, Hồ Biểu Chánh học vỡ lòng chữ Nho tại trường làng. Năm 12 tuổi, cha mẹ ông rời quê quán về chợ Giồng Ông Huê, lúc đó mới cho ông đi học Quốc ngữ và chữ Pháp tại trường Vĩnh Lợi, rồi lại cho xuống học tại trường tỉnh Gò Công. Sau vì học giỏi, ông được cấp học bổng để lên học trường trung học Chasseluop - Laubat ở Saigon. Cuối năm 1905, ông thi đậu bằng Thành chung (Diplôme de fin déludé). Năm 1906 ông bắt đầu làm Kí lục, Thông ngôn, thăng dần đến Đốc phủ sứ, từng giữ chức Chủ Quận (quận trưởng) ở nhiều nơi thuộc Miền Tây Nam bộ. Dù làm quan cho Pháp, gây chướng mắt nhiều người, nhưng người Nam bộ đều hiểu, khi làm quan, ông nổi tiếng thanh liêm, yêu dân, thương người nghèo khổ.

Phim “Ngọn cỏ gió đùa” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Hồ Biểu Chánh

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông không có cơ hội để vào bưng biền. Có lúc vì nể tình bạn ông làm Đổng lí văn phòng cho Thủ tướng Nguyễn Văn Thinh. Sau khi vị thủ tướng không thực quyền này bị Pháp lừa gạt nên tự ái, ông mới thong thả trở về nguyên quán Gò Công, an phận với tuổi già và chuyên sống với nghiệp văn chương. Ông viết tiểu thuyết vào thời kỳ đầu của văn học chữ quốc ngữ với cốt truyện đơn giản, phản ánh cuộc sống Nam Bộ từ nông thôn đến thành thị những năm đầu thế kỷ 20 với những xáo trộn xã hội do cuộc đấu tranh giữa mới và cũ. Triết lý chủ đạo là thiện thắng ác, ở hiền gặp lành. Ông thể hiện con người và vùng đất Nam bộ bằng cách diễn đạt nôm na, bình dị, từ ngôn từ, giọng văn đến cách thức miêu tả con người cho đến cảnh vật.

Cuộc đời làm quan, làm công chức cho chính phủ bảo hộ đã giúp Hồ Biểu Chánh có điều kiện đi nhiều nơi, được tai nghe mắt thấy nhiều chuyện đã và đang xảy ra trong xã hội đương thời, có lẽ hơn ai hết, Hồ Biểu Chánh thấu hiểu tình cảnh túng bấn nghèo nàn của người bần cố nông Nam bộ. Chính vì vậy mà qua tác phẩm của ông người ta có thể tìm thấy đầy đủ cả một xã hội hay nền văn hóa của miền Nam từ thời 1920 đến 1945. Có thể kể đến các tác phẩm tiêu biểu như: Ai làm được, Chúa tàu Kim Quy, Cay đắng mùi đời, Nhân tình ấm lạnh, Thầy thông ngôn, Ngọn cỏ gió đùa, Chút phận linh đinh, Vì nghĩa vì tình, Con nhà nghèo, Con nhà giàu, Cha con nghĩa nặng, Khóc thầm, Tỉnh mộng, Tơ hồng vương vấn, Những điều nghe thấy, Đại nghĩa diệt thân, Nợ tình... Từ cách dàn dựng câu chuyện, đến sự trình bày diễn tiến của câu chuyện, đến tâm lý các nhân vật, các hạng người và đặc tính của họ, ý nghĩ và lời nói của họ, đến khung cảnh, môi trường vật lý mà con người phải sinh hoạt trong đó. Tất cả đều rất gần gũi quen thuộc với người dân ở vùng này.

Cảnh trong phim "Lòng dạ đàn bà" được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Hồ Biểu Chánh

Có thể nói, nhờ lối viết tiểu thuyết với giọng điệu rất đặc biệt của ông mà người ta thường gọi là “nghệ thuật tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh”. Nghệ thuật ấy là lối kể chuyện đời như đời vốn có. Hồ Biểu Chánh là một người kể chuyện. Ông kể một hoàn cảnh xã hội và lịch sử có thật, là nền tảng sống đời đơn giản, mộc mạc, hồn nhiên mặc dù không kém phần phong phú hay lôi cuốn. Người ta có thể thích Hồ Biểu Chánh mà không cần viện dẫn một lý do nào xa xôi. Đọc và xem Hồ Biểu Chánh tức là sống chính những gì ông đã viết hay kể ra. Tất cả như những nguồn nước cùng góp vào một dòng sông. Những nhân vật, những câu chuyện kể của Hồ Biểu Chánh đều cuồn cuộn phù sa, không ly kỳ, nổi bật hay sáng chói, nhưng rất nhiệm màu. Hồ Biểu Chánh đã cho ta vẻ bình thản tuyệt đẹp của ca dao, của những lời ru, của một giọng đời thân thuộc. 

Hồ Biểu Chánh là người cuối cùng viết truyện Nôm theo thể lục bát cũng là người đầu tiên viết tiểu thuyết bằng văn xuôi quốc ngữ. Ông đã từ lĩnh vực văn học bình dân chuyển sang văn học viết. Ông là người sử dụng ngôn ngữ Nam bộ thuộc hàng “cao thủ”, để sau này các nhà văn Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam tiếp bước theo. Ông tạo ra một thị trường văn học bởi sức mua của người đọc. Với văn chương bình dân, làm rạng rỡ cho tiến trình văn học miền Nam. 

Cảnh trong phim "Con nhà giàu" được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Hồ Biểu Chánh

Suốt đời, Hồ Biểu Chánh không rời cây bút. Cho đến năm 1958 khi ông đã 73 tuổi đời và 50 tuổi văn, dù mắc bệnh đau tim nặng, thầy thuốc cấm viết, con cháu van nài nghỉ viết, Hồ Biểu Chánh vẫn "viết lén", viết lúc cả nhà đi vắng hoặc khi mọi người đã ngủ say. Ngày 4/11/1958, khi nhà văn từ trần, người ta thấy bản thảo tập tiểu thuyết thứ 65 nhan đề Hy sinh

Kính cẩn nhớ về ông, HTV trân trọng giới thiệu chân dung ông qua bộ phim tài liệu “Hồ Biểu Chánh – Người kể chuyện đời”, phát sóng lúc 8g ngày 29, 30 và 31/10 trên kênh HTV9.

Thùy Trang