(HTV) - Dù đóng góp khoảng 30% GDP và tạo việc làm cho hơn 800.000 lao động, nhiều hộ kinh doanh vẫn e ngại khi đứng trước ngưỡng cửa chuyển đổi lên doanh nghiệp.
Trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu có thêm 1 triệu doanh nghiệp mới vào năm 2030, TP.HCM với hơn 400.000 hộ kinh doanh đang sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, dù đóng góp khoảng 30% GDP và tạo việc làm cho hơn 800.000 lao động, nhiều hộ kinh doanh vẫn e ngại khi đứng trước ngưỡng cửa chuyển đổi lên doanh nghiệp.
Những trăn trở khi lên doanh nghiệp
Có mặt tại xưởng giày Hoàng Hiếu (Quận Gò Vấp), nơi mỗi tháng xuất xưởng khoảng 10.000 đôi giày phục vụ thị trường trong và ngoài nước, chúng tôi ghi nhận những thách thức mà các hộ kinh doanh đang đối mặt.
Xưởng giày Hoàng Hiếu (Quận Gò Vấp)
Chị Hoàng Thị Bảo Trân - Chủ xưởng giày Hoàng Hiếu, chia sẻ: "Trước khi đăng ký thành doanh nghiệp, tôi phải sắp xếp lại mọi thứ một cách bài bản, từ nhân sự, máy móc đến đầu ra sản phẩm. Khi đó, tôi mới tự tin lên doanh nghiệp được. Tôi mong muốn xưởng giày có thương hiệu rõ ràng và có thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu”.
Hoàng Thị Bảo Trân - Chủ xưởng giày Hoàng Hiếu
Không chỉ ngành sản xuất, dịch vụ ăn uống cũng gặp khó khăn khi chuyển đổi. Bà Dương Thị Kim Dung - Chủ quán cơm và dịch vụ đặt tiệc gia đình cho biết, do tuổi cao và công việc ổn định, bà không muốn lên doanh nghiệp vì thủ tục phức tạp, áp lực tài chính và trách nhiệm pháp lý tăng cao.
Những rào cản về chính sách và chi phí
Theo chuyên gia, gánh nặng thuế và thủ tục pháp lý là rào cản lớn khiến hộ kinh doanh e ngại lên doanh nghiệp. Ông Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa TP.HCM, cho biết hộ kinh doanh chỉ chịu thuế khoán vài triệu đồng mỗi tháng, nhưng khi lên doanh nghiệp, họ phải đóng nhiều loại thuế, lo bảo hiểm xã hội, công đoàn phí và đối mặt với thủ tục giải thể phức tạp.
Đồng quan điểm, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, khẳng định việc nâng cấp 400.000 hộ kinh doanh lên doanh nghiệp khả thi nếu TP.HCM tận dụng tốt các cơ chế hỗ trợ. Bà đề xuất cắt giảm thủ tục, thúc đẩy chuyển đổi số và miễn giảm thuế hai năm đầu để tạo động lực.
Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM
Hướng đi nào để thúc đẩy chuyển đổi?
Tại phiên họp chiều nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân đã đề nghị các bộ, ngành sớm hoàn thiện đề án trình Bộ Chính trị với quan điểm: “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”.
Với những điều chỉnh hợp lý về chính sách, giảm bớt gánh nặng về thuế và thủ tục hành chính, việc thúc đẩy hộ kinh doanh lên doanh nghiệp không chỉ giúp các đơn vị kinh doanh phát triển bền vững mà còn góp phần quan trọng vào sự lớn mạnh của nền kinh tế tư nhân trên cả nước.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9