(HTV) - Theo Cục Thống kê TP.HCM, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP.HCM tại các cửa khẩu trên cả nước 5 tháng đầu năm 2023 đạt 16,5 tỷ USD, giảm 19,7% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách 5 tháng đầu năm 2023 của TP.HCM, thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước.
Sau hai năm với nhiều cảnh báo suy thoái kinh tế toàn cầu, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu đang cố gắng giảm mọi chi phí và thích nghi với tình huống giảm đơn hàng.
Trong ngành đồ gỗ nội thất, nhiều doanh nghiệp chỉ có đơn hàng đến cuối tháng 9 và chưa nhận được đơn đặt hàng cho mùa mua sắm cuối năm. Theo đó, phải đợi đến mùa đông để đánh giá liệu thị trường Mỹ - Âu có phục hồi sức mua hay không.
5 tháng qua, các ngành xuất khẩu chủ lực của TP.HCM đều giảm đơn hàng so với cùng kỳ
Trong bối cảnh này, nhiều xưởng may giảm 2/3 công nhân, giảm quy mô để phù hợp với đơn hàng nhỏ. Nhờ cách này, nhiều doanh nghiệp may xuất khẩu vẫn có đơn hàng từ các nước Hàn Quốc, Mỹ,... Đây hầu hết là những đơn hàng chuyển từ các quốc gia mạnh về sản xuất như Indonesia, Malaysia,...
Doanh nghiệp làm gì khi đơn hàng ngày càng giảm?
Trong bối cảnh xuất khẩu giảm sâu và còn nhiều thách thức, thị trường trong nước vẫn duy trì sức mua mạnh mẽ, với tổng mức bán lẻ hàng hóa trong 5 tháng đầu năm 2023 tăng 9,4% so với cùng kỳ. Ngành công thương hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng tiêu thụ ở thị trường nội địa, kích cầu trong nước.
Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thị trường nội địa
Sở Công Thương TP.HCM đã tăng cường các hoạt động kết nối doanh nghiệp xuất khẩu với thị trường nội địa. Điều này đã tạo ra kỳ vọng từ phía doanh nghiệp, rằng các chủ trương và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được triển khai kịp thời, đóng vai trò hỗ trợ để doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh, đồng thời tạo đà cho sự phục hồi, tiến bộ và hội nhập của doanh nghiệp.
Thời gian qua, không chỉ tích cực gỡ rối thị trường và tìm đầu ra, các chương trình tháo gỡ khó khăn về vốn và thủ tục hành chính cũng thường xuyên được tổ chức. Các cuộc đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo thành phố, Sở, Ngành và doanh nghiệp chính là giải pháp trợ lực hiệu quả nhất trong giai đoạn khó khăn.
Tại cuộc đối thoại giữa chính quyền thành phố với doanh nghiệp do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM tổ chức, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ bức xúc khi khó vay tín chấp, khó tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp, thủ tục vay ngoại tệ còn rườm rà.
Chính quyền thành phố và doanh nghiệp đối thoại để tìm cách tháo gỡ khó khăn
Đối thoại hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM nêu giải đáp, việc vay tín chấp sẽ khó hơn vay thế chấp vì tiền ngân hàng cũng là tiền huy động từ cá nhân, doanh nghiệp. Cần có đảm bảo khả năng thanh khoản thì doanh nghiệp mới có thể vay. Một mặt, doanh nghiệp muốn vay phải có lịch sử tín dụng tốt, luôn là khách hàng truyền thống tin cậy qua báo cáo tài chính, đánh giá phương án, hiệu quả doanh nghiệp, kiểm soát dòng tiền.
Trước mắt, Ngân hàng trung ương đã có báo cáo Chính phủ đang thực hiện chương trình cho vay khởi nghiệp. Để làm tốt việc này thì doanh nghiệp phải đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của doanh nghiệp trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, không ngừng phát triển và minh bạch tài chính.
Trong 6 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần hạ lãi suất cho vay. Riêng TP.HCM giải ngân được 283.000 tỷ đồng trong vòng 5 tháng đầu năm 2023 thông qua các hình thức hỗ trợ lãi suất, giúp doanh nghiệp cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Giải pháp cấp bách như cánh tay kịp thời của chính sách giúp doanh nghiệp nhanh chóng thoát khỏi trạng thái chao đảo vì biến động kinh tế.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm TP.HCM và 7 tỉnh xung quanh, đóng góp khoảng 45% vào kinh tế cả nước, nhưng lĩnh vực Logistic lại chưa phát triển đúng tiềm năng. Ngoài việc thiếu hụt nhiều tuyến đường cao tốc liên tỉnh, các địa phương trong vùng cũng chưa tận dụng được lợi thế từ hệ thống sông ngòi, kênh rạch để "chia lửa" với đường bộ.
Doanh nghiệp thành phố đặt mục tiêu cải thiện chi phí Logistic
TP.HCM đang tiến hành đề án xây dựng 8 trung tâm Logistic. Với đề án này, có 6 trụ cột mà TP.HCM sẽ thực hiện để cải thiện Logistic hàng hóa. Cụ thể gồm:
- Hình thành trung tâm Logistic hiện đại có ứng dụng công nghệ trong quản lý để gia tăng giá trị và thuận lợi trong khai thác chuỗi;
- Ứng dụng công nghệ thông tin chia sẻ dữ liệu dùng chung của doanh nghiệp và người dùng;
- Tập trung nâng chất nguồn nhân lực để phục vụ việc kết nối TP.HCM với các trung tâm Logistic khu vực;
- Tập trung xúc tiến quảng bá dịch vụ Logistic TP.HCM;
- Có liên kết vùng trong hoạt động Logistic, phát huy lợi thế từng tỉnh thành, vùng miền với TP.HCM cung ứng các giá trị quan trọng trong dịch vụ Logistic khu vực;
- Phát triển các loại hình Logistic phục vụ thương mại điện tử xuyên quốc gia.
Hiện chi phí Logistic tại Việt Nam hiện đang chiếm 20 - 25% giá trị hàng hóa. Nhiều chuyên gia phân tích, khi Vành đai 3 và hệ thống OCD kết nối cảng biển hoàn thành, chi phí Logistic hàng hóa quanh TP.HCM sẽ giảm từ 20 - 30% so với hiện nay.
Có thể thấy, sự hỗ trợ tổng thể từ thị trường, nguồn vốn, sản xuất đến vận chuyển hàng hóa như liều thuốc kịp thời để doanh nghiệp trở mình.
Tháo điểm nghẽn Logistic từ điểm sáng Vành đai 3
Trong bối cảnh chưa thể dự báo diễn biến thị trường, những giải pháp hỗ trợ tập trung vào việc tăng nội lực để doanh nghiệp có thể giữ vững dây chuyền và nguồn nhân lực. Những giải pháp trước mắt và lâu dài đều hướng đến mục tiêu giúp TP.HCM phát huy vai trò dẫn dắt chuỗi thương mại hàng hóa. Chúng ta cũng kỳ vọng các dự án giao thông, hạ tầng Logistic sẽ hoàn thành đúng tiến độ sẽ là xung lực mới cho kinh tế TP.HCM phục hồi mạnh mẽ.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngà trên kênh HTV9