(HTV) - Tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Tọa đàm và Trưng bày chuyên đề: "Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu: Một tấm lòng son sắt" đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhà báo Lý Văn Sáu (05/11/1924 - 05/11/2024).
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều nhận định rằng nhà báo Lý Văn Sáu là một trong những trí thức đã hiến dâng những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời cho lý tưởng cách mạng, sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ông đã sáng lập Báo Thắng vào năm 1946 khi mới 22 tuổi; góp phần xây dựng Đài Tiếng nói Nam Bộ và Đài Tiếng nói Miền Nam từ những ngày đầu; và trở thành phát ngôn viên xuất sắc của phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam tại Paris trong giai đoạn 1968 - 1973. Trong thời gian công tác tại Cuba, Lý Văn Sáu cũng góp phần xây dựng mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết và gắn bó giữa Việt Nam và Cuba trong gần một thập kỷ sống và làm việc tại đây.
Tại tọa đàm, các đại biểu tôn vinh nhà báo Lý Văn Sáu - người trí thức đã cống hiến trọn đời cho lý tưởng cách mạng và độc lập dân tộc
Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, nhận xét: “Thế giới đã phải công nhận rằng sự xuất hiện của bà Nguyễn Thị Bình và người phát ngôn Lý Văn Sáu đã chứng minh rằng Việt Nam có một lực lượng thực chất, mạnh mẽ và sắc bén. Năng lực kết hợp đấu tranh truyền thông và báo chí của ông đã góp phần quan trọng cho cuộc đấu tranh ngoại giao, chính trị cũng như trên chiến trường.”
Nhà báo Trần Kim Hoa - Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết: “Khi ông sang Paris, đến Cuba, hoặc xuất hiện trên nhiều diễn đàn quốc tế khác, ông đều sử dụng thành thạo nhiều ngôn ngữ, không chỉ 3-4 thứ tiếng mà khi tiếp đoàn Trung Quốc, ông còn nói tiếng Trung. Điều này cho thấy ở bất cứ đâu, ông luôn là một Lý Văn Sáu sắc sảo, chuyên nghiệp và là người hội nhập từ rất sớm. Trong bối cảnh hiện nay, khi các nhà báo trẻ nói về đổi mới và hội nhập, tôi tin rằng nhà báo Lý Văn Sáu đã xuất sắc thực hiện điều này từ thời của ông.”
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành phát thanh, truyền hình Việt Nam nói riêng và báo chí Việt Nam nói chung. Từ năm 1975 đến 1977, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1977 đến 1984, ông giữ vị trí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam; và từ năm 1981 đến 1983, ông là Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nhà báo Hà Đăng - Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nhận xét: “Đồng chí Lý Văn Sáu không chỉ là cán bộ chính trị, lãnh đạo mà còn là một cán bộ báo chí tiêu biểu trong hai cuộc kháng chiến. Dù làm ở đài phát thanh hay truyền hình, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông là một nhà báo xuất sắc, không chỉ trong lĩnh vực báo in, báo viết mà còn ở phát thanh và truyền hình.”
Hội Nhà báo trưng bày 100 hiện vật tôn vinh sự nghiệp cách mạng của nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu
Nhân dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức trưng bày 100 tài liệu, hiện vật, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu. Hoạt động này nhằm tôn vinh những đóng góp của ông cho sự nghiệp báo chí cách mạng và ngoại giao Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9