(HTV) - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM vừa tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế mang tên “Lịch sử, Văn hóa và Xã hội Indonesia đương đại”.
Hội thảo được tổ chức nhằm đẩy mạnh tình hữu nghị, hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn giữa Việt Nam và Indonesia, đồng thời, tăng cường cơ hội giao lưu, chia sẻ ý tưởng trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM và các trường đại học ở Indonesia.
Toàn cảnh Hội thảo tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM
Tại Hội thảo, có hơn 45 tham luận chính đã được trình bày. Bên cạnh đó, Hội thảo còn nhận được sự quan tâm của nhiều học giả trong nước và quốc tế, trong đó có hơn 40 nhà khoa học đến từ Indonesia. Các tham luận đã phân tích rõ hơn về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ và xã hội Indonesia từ năm xưa đến nay thông qua nhiều phương pháp nghiên cứu. Qua các bài tham luận này, Hội thảo đã nêu bật mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Indonesia trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện đại.
Đại diện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM phát biểu tại Hội thảo
Đồng thời, Hội thảo cũng mang đến nhiều thông tin thú vị và sâu sắc hơn về quốc gia, văn hóa, và con người Indonesia cho các học giả và sinh viên tại các trường đại học tại Việt Nam. Điều này đã góp phần quan trọng vào việc củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Indonesia.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Hội thảo cũng là dịp để các học giả trong và ngoài nước gặp gỡ, giao lưu, học hỏi lẫn nhau trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học về văn hóa và ngôn ngữ trong khuôn khổ Đông Nam Á, cũng như những vấn đề về xã hội và lịch sử giữa hai quốc gia Việt Nam và Indonesia, đồng thời cùng nhau nhìn lại chặng đường 30 năm hình thành và phát triển với những thành tựu nhất định của ngành Indonesia học.
Qua các bài tham luận, Hội thảo đã nêu bật mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Indonesia trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện đại, từ đó, góp phần xây dựng cơ sở lý luận và đề ra những chính sách văn hóa, ngôn ngữ phù hợp với Việt Nam và Indonesia trong bối cảnh toàn cầu hóa.