Hướng tới “không gian văn hóa Hồ Chí Minh”

QĐND 24/5/2022, 08:21

Nội dung nổi bật được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 là: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành “không gian văn hóa Hồ Chí Minh”.

Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh dâng hương tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 10/2020. 

Mang đậm hồn cốt Sài thành

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh-người lãnh đạo tâm huyết với ý tưởng xây dựng “không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, cho rằng: "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" là không gian văn hóa mang đậm những đặc trưng tính cách, tình cảm, hồn cốt của con người TP Hồ Chí Minh mà ở đó, văn hóa Hồ Chí Minh hiện hữu, để bất cứ ai khi đến thành phố sẽ cảm nhận được đây là thành phố vinh dự được mang tên Bác kính yêu.

Trong không gian văn hóa của thành phố hiện nay có Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bến cảng Nhà Rồng, Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Nhà lưu niệm Bác Hồ trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước... Tương lai sẽ có Quảng trường Hồ Chí Minh ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, ở những nơi này mới chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp; hệ thống tư liệu, hiện vật về thân thế, sự nghiệp của Người còn hạn chế, sức lan tỏa chưa sâu rộng và chưa tương xứng với tầm vóc công lao vĩ đại của Bác cũng như tình cảm tôn kính của nhân dân thành phố đối với Người. Theo PGS, TS, NGƯT Đỗ Ngọc Anh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh: "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” phải tổng hòa nhiều yếu tố, hướng đến hình thành lối sống tốt đẹp, mang đậm chất văn hóa Hồ Chí Minh. Cùng với đó là những chương trình văn hóa nghệ thuật được tổ chức rộng rãi, trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ sáng tạo, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần phong phú của nhân dân. Đạo diễn, NSƯT Hoa Hạ cho rằng: Văn hóa tinh thần là một phần quan trọng của “không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Những sản phẩm nghệ thuật trong không gian ấy cũng phải mang đậm chất Nam Bộ, Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh. Cho nên, cùng với sự nỗ lực sáng tạo của giới văn nghệ sĩ, thành phố cần xây dựng thêm những không gian văn hóa mở và đầu tư thiết chế văn hóa tương xứng với quy mô phát triển.

Mỗi không gian văn hóa cần có nét riêng, mang đặc trưng của từng địa phương. Điều đó có nghĩa là, “không gian văn hóa Hồ Chí Minh” ở TP Hồ Chí Minh phải có đặc trưng của người Nam Bộ, của Thành phố mang tên Bác, toát lên tính cách năng động, cởi mở, hào hiệp, văn minh, nghĩa tình và khát vọng sáng tạo, vươn lên của người dân Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh. Đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Hình thành “không gian văn hóa Hồ Chí Minh” ở TP Hồ Chí Minh phải gắn liền với các đặc điểm riêng mang hồn cốt của thành phố đã được kết tinh từ thực tiễn. Chúng ta cần phát huy đặc trưng văn hóa, tính cách của con người thành phố; tiếp tục bồi đắp những nét riêng đó gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là một trong những yếu tố quan trọng hình thành “không gian văn hóa Hồ Chí Minh”.

Thấm đượm tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh


Xây dựng “không gian văn hóa Hồ Chí Minh” thì yếu tố tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh. Chính những giá trị ấy góp phần tạo nên văn hóa, sức mạnh tinh thần của mỗi người dân thành phố trong thời đại mới. 

Cụ thể hóa những yêu cầu đó, đội ngũ đảng viên, cán bộ các cấp trên địa bàn thành phố không ngừng hoàn thiện bản thân theo tấm gương của Bác, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; gần gũi, gắn bó với nhân dân; tôn trọng, lắng nghe và giải quyết hợp tình, hợp lý mọi ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Vấn đề quan trọng là phải tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị và toàn dân, để chung sức, đồng lòng kiến tạo “không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Nhiệm vụ này đang được Đảng bộ, chính quyền thành phố triển khai quyết liệt thông qua những hành động, việc làm cụ thể. Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Để xây dựng “không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, thành phố đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có nhiệm vụ tuyên truyền, bồi đắp, phát huy những phẩm chất tốt đẹp, những nét đặc trưng của người Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh; đồng thời phấn đấu để tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm đượm trong suy nghĩ, lời nói, hành động, việc làm của mọi công dân thành phố, tạo nền tảng hình thành “không gian văn hóa Hồ Chí Minh” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đã xác định".

Ý kiến của bạn: