Kể chuyện lịch sử bằng giải trí trên mạng xã hội: Xu hướng mới thu hút giới trẻ

NGỌC PHƯỢNG - THIỆN TOÀN - HỮU TRÍ // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 1/3/2024, 22:58

(HTV) - Những năm gần đây, việc tìm hiểu, nghe đọc về lịch sử, văn hóa Việt Nam đã trở nên dễ dàng, hấp dẫn hơn nhờ vào nhiều hình thức chuyển tải đa dạng từ nền tảng công nghệ 4.0.

Không chỉ lan tỏa những giá trị lịch sử văn hóa Việt Nam, mà còn để mọi người yêu thích và dễ nhớ hơn, rất nhiều sản phẩm kể chuyện về lịch sử văn hóa kết hợp giải trí đã được cho ra đời trên mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok,... Điều đáng nói đây đều là kênh của các bạn trẻ có niềm đam mê tìm hiểu lịch sử cộng thêm năng khiếu cá nhân, cho ra những sản phẩm kể về lịch sử văn hóa hết sức sáng tạo.

Lịch sử trên mạng - Giải trí và di sản văn hóa

Tiktoker kênh Vẽ Kể Chuyện có tên thật là Phạm Thị Thủy Tiên. Một sản phẩm từ 1 - 3 phút trên Tiktok, Thủy Tiên phải dành nhiều ngày nghiên cứu tư liệu, 4 - 5 tiếng để hoàn thiện video và có khi phải thức đêm để vẽ tranh lịch sử. Với hơn 1 triệu lượt theo dõi, chính sự đầu tư như vậy sẽ giúp những video khi đưa lên mạng xã hội giải trí vẫn đảm bảo được chất lượng nội dung và thu hút người xem.

 Phạm Thị Thủy Tiên - Tiktoker kênh Vẽ Kể Chuyện

Tiktoker 9x Thủy Tiên chia sẻ rằng, cô sẽ tổng hợp những câu chuyện lịch sử từ các cuốn sách như Đại Việt sử ký toàn thư và các tác phẩm giả sử khác, kể theo lối văn riêng của mình. Đồng thời, dự án Vietales của nhóm bạn trẻ cũng đang lan tỏa trên mạng xã hội với nhiều sản phẩm mang tính chuyên môn và chỉnh chu. Phạm Vĩnh Lộc, đồng sáng lập của Vietales, nhấn mạnh mục tiêu của dự án là phục vụ cộng đồng và tạo ra sản phẩm có thể xuất khẩu. Họa sĩ Nguyễn Đình Khiêm, người chịu trách nhiệm về thiết kế của Vietales, cũng nhấn mạnh việc đầu tư kỹ lưỡng vào từng chi tiết để sản phẩm trở nên chính xác và thu hút.

Anh Phạm Vĩnh Lộc, đồng sáng lập Vietales cũng nhấn mạnh: "Team sẽ chọn những chất liệu văn hóa, lịch sử, địa lí để làm nên những sản phẩm giải trí, mục đích ban đầu là muốn Việt Nam mình có những sản phẩm để có thể trước hết là phục vụ quốc dân, đồng bào, thứ hai là có thể xuất khẩu sang nước ngoài...Thực hiện ước mơ này được gần hai năm và chúng tôi đã định hình được những đầu sản phẩm sẽ làm sắp tới. Sản phẩm có thể bao gồm cả truyện tranh diễn họa, Youtube, Spotify và rất nhiều nền tảng đang được thực hiện để phối hợp các đối tác khác nhau. Chúng tôi có sử dụng những ngôn ngữ của giới trẻ, những trend nhưng mà vẫn không quá xa rời với thực tế…"

Anh Phạm Vĩnh Lộc (trái) - Đồng sáng lập Vietales

Chịu trách nhiệm vẽ không gian và bối cảnh cho các sản phẩm của Vietales, họa sĩ Nguyễn Đình Khiêm cho biết bản thân phải kỹ lưỡng từng chi tiết, đôi khi là về phần kích thước của từng căn nhà, từng tẩm điện hoặc là văn miếu, anh đều cũng phải làm cho chính xác hoặc gần chính xác khoảng 80% so với thực tế. Từ đó khi người xem hoặc các nhà nghiên cứu khác nhìn thấy sản phẩm của Vietales, họ sẽ hiểu được đây là những sản phẩm có nghiên cứu và đầu tư.

Họa sĩ Nguyễn Đình Khiêm chịu trách nhiệm cho các sản phẩm của Vietales

Anh Nguyễn Đăng Khoa chia sẻ: "Khi có kiến thức về lịch sử và văn hóa, tôi thấy có thêm lợi thế để truyền đạt thông điệp sâu sắc hơn. Website là như một sân khấu, nơi chúng tôi biểu diễn những sản phẩm chất lượng, giúp mọi người hiểu và yêu thích lịch sử, văn hóa Việt Nam."

Những nỗ lực của các bạn trẻ trong việc kể chuyện về lịch sử và văn hóa Việt Nam trên mạng xã hội không chỉ là một hành động giải trí, mà còn là một cách để kính ngưỡng và tôn vinh di sản văn hóa của dân tộc. Việc lan tỏa niềm tự hào dân tộc qua các sản phẩm giải trí như vậy đã và đang tạo ra sự chú ý và tiếp tục in sâu hơn về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Đồng thời cũng giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa của đất nước và góp phần nuôi dưỡng tình yêu và sự tự hào với dân tộc.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9


Ý kiến của bạn: