(HTV) - Cách đây 78 năm, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Từ mùa thu Cách mạng năm 1945, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, dân tộc Việt Nam đã kiên cường, anh dũng trải qua nhiều cuộc trường chinh vô cùng gian khổ, ác liệt, với sự hy sinh của hàng triệu người con ưu tú để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bước vào thời kỳ Đổi mới, với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, một lần nữa, Nhân dân Việt Nam lại bước vào cuộc chiến đấu đầy gian khó để xóa đói, giảm nghèo, lạc hậu và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Khát vọng phát triển đất nước, cũng như sự kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn, được thể hiện rõ trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khẳng định ý nghĩa quan trọng trong việc tổng kết thực tiễn, khái quát lý luận về đường lối đổi mới qua 37 năm thực hiện của Đảng Cộng sản Việt Nam, khơi dậy và phát huy khát vọng phát triển đất nước của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong giai đoạn hiện nay.
Thiết thực chào mừng kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 – 02/9/2023), đồng thời quảng bá tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về những vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, ngày 29/8/2023, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM phối hợp với Báo Người Lao động, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, chi nhánh tại TP.HCM tổ chức buổi giới thiệu sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Cuốn sách thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán, kiên định và sự phát triển sáng tạo, hoàn thiện tư duy lý luận, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà Đảng và Nhân dân ta lựa chọn; về mục tiêu, định hướng và giải pháp xây dựng đất nước trong bối cảnh mới; giúp cán bộ, Đảng viên và Nhân dân hiểu rõ, nắm vững, quán triệt, tổ chức thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc.
Cuốn sách tập hợp 29 bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kể từ khi chuẩn bị xây dựng văn kiện Đại hội XIII của Đảng đến nay, qua đó tập trung trả lời 04 câu hỏi: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?
Theo TS. Thân Ngọc Anh - Trưởng Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị Khu vực II (Học viện Chính trị Quốc qia Hồ Chí Minh) chia sẻ: Thực tiễn công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa mang nhiều dấu ấn:
1. Chúng ta đã hoàn toàn thoát khỏi một nước kém phát triển nước nghèo và trở thành nước có thu nhập trung bình. Quan trọng nhất là đời sống vật chất và tinh thần đã được nâng lên.
2. Chúng ta giữ được chính trị ổn định, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
3. Làm tốt công tác đối ngoại khẳng định vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Tiếng nói, sáng kiến và sự tham gia của Việt Nam ngày càng sâu rộng vào lực lượng gìn giữ hòa bình, làm cho quốc tế nhìn nhận đánh giá Việt Nam với con mắt rất thiện cảm.
4. Kinh tế tăng trưởng đã giải quyết tốt công bằng xã hội, hướng đến phát triển kinh tế gắn với môi trường, đạo đức và giữ được giá trị văn hóa truyền thống tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
5. Giữ vững được khối đại đoàn kết dân tộc. Đây cũng là tiền đề nền tảng để trong những năm tiếp theo vượt qua khó khăn.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng - Chuyên gia kinh tế đúc kết được 03 giá trị rất lớn:
1. Vì hạnh phúc của Nhân dân, đây là chủ nghĩa rất tốt đẹp và kế thừa phát triển nhưng bỏ qua chủ nghĩa tư bản, lấy những tinh hoa đó để phát triển cộng với thời gian đã và đang đi trong suốt hơn 35 năm đổi mới. Đây là tài sản rất quý để tiếp tục phát triển kinh tế trong bối cảnh rất mới.
2. Mỗi năm, mỗi nhiệm kì, bộ máy chính trị nước ta từ Quốc hội đến Chính phủ liên tục ban hành, bổ sung và cập nhật kịp thời những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, làm sao cho doanh nghiệp có lợi ích nhiều nhất về sự công bằng và đảm bảo tiêu chí vừa phát triển kinh tế, đảm bảo đạo đức nhân văn của con người, đúng xu thế toàn cầu.
3. Đây là cơ hội chìa khóa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp hay các doanh nghiệp đang có mang thương hiệu quốc gia, có động lực cũng như họ thấy được điểm sáng để họ tiếp tục đồng hành với Chính phủ và Nhà nước xây dựng chủ nghĩa xã hội công bằng - văn minh - mang lại lợi ích vì dân, do dân.
Sau 37 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, khẳng định vững chắc vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Trong đó, công tác đối ngoại đóng vai trò quan trọng. “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc, trường phái ngoại giao ‘cây tre Việt Nam’" cũng là một trong số 29 bài viết được tuyển chọn trong cuốn sách của Tổng Bí thư.
Khi đề cập đến cây tre, thì người ta nghĩ nhiều đến sự mềm mại, linh hoạt, nhưng cây tre không đứng một mình, mà là một bụi tre! Nên rất mạnh và có sức chịu đựng trước giông bão. Và khi có đám cháy lớn, thì cây mọc lại trước tiên là cây tre. Điều đó nói lên sức hồi phục, sức sống của cây tre. Như vậy, tổng quan sẽ nhắc đến chuyện sức mạnh toàn dân tộc của Việt Nam trong toàn bộ quá trình mấy chục năm triển khai chính sách đối ngoại. Chính những bài học đó đã lý giải một phần ngoại giao tạo thế bên ngoài cho lực bên trong có thể phát triển được trên con đường đi lên của Việt Nam. Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Ủy ban Hòa bình TP.HCM chia sẻ.
“Có thể khái quát lại, hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, (“Thân gầy guộc, lá mong manh, mà sao nên lũy, nên thành tre ơi!”), thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”!”
— Trích bài viết: XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NỀN ĐỐI NGOẠI, NGOẠI GIAO VIỆT NAM HIỆN ĐẠI VÀ MANG ĐẬM BẢN SẮC DÂN TỘC, TRƯỜNG PHÁI NGOẠI GIAO “CÂY TRE VIỆT NAM” (Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 14/12/2021)
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9