(HTV) - Cuộc khủng hoảng y tế tại Hàn Quốc bắt đầu vào ngày 20/02 khi các bác sĩ đồng loạt nghỉ việc nhằm phản đối một kế hoạch cải cách của Chính phủ.
Hiện đã bước sang tuần thứ 11, nhưng các giải pháp của chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa đủ để thuyết phục các bác sĩ trở lại làm việc.
Cuộc đình công của 12 ngàn bác sĩ, bao gồm bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú, hơn hai tháng qua đã gây ra tình trạng thiếu nhân viên y tế trầm trọng tại các bệnh viện ở Hàn Quốc. Hệ thống y tế của nước này đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng lớn nhất từ trước đến nay.
Ủy ban đặc biệt về cải cách y tế cho biết, ủy ban sẽ thảo luận với các bên liên quan để thu hẹp sự khác biệt, đồng thời kêu gọi sự tham gia của bác sĩ thực tập vào tiến trình cải cách y tế hiện nay. Quá trình thông hiểu này được dự đoán sẽ tốn không ít thời gian, vì cả chính phủ và các bác sĩ thực tập đều có lập luận xác đáng cho quyết định của mình.
Hàn Quốc tăng gấp đôi chỉ tiêu tuyển sinh y sĩ để giải quyết khủng hoảng y tế
Các cơ quan nghiên cứu dự đoán nước này sẽ thiếu ít nhất 10.000 bác sĩ vào năm 2035. Số lượng bác sĩ trong các ngành thiết yếu như nhi khoa, cấp cứu, phẫu thuật ngày càng giảm, do điều kiện làm việc vất vả và quá tải.
Các bệnh nhân đang được kiểm tra y tế tại một bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc. Nguồn ảnh: Yonhap
Nhiều người dân Hàn Quốc ủng hộ quyết định của chính phủ, với hy vọng việc tăng bác sĩ có thể giúp họ không phải đi xa hay chờ đợi quá lâu để được khám chữa bệnh.
Còn các bác sĩ đình công lập luận rằng, Chính phủ nên giải quyết vấn đề lương bổng và điều kiện làm việc của đội ngũ nhân viên y tế hiện tại trước khi tìm cách tăng số lượng bác sĩ mới.
Các bác sĩ thực tập đảm nhận phần lớn việc cấp cứu và điều trị tại các khoa phòng trong bệnh viện, luôn than phiền về tình trạng làm việc quá tải và chính sách đãi ngộchưa thỏa đáng.
Các bác sĩ tham gia một cuộc biểu tình phản đối phản đối quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y ở Seoul, Hàn Quốc ngày 03/03/2024. Nguồn ảnh: Reuters
Hàn Quốc thường thiếu bác sĩ tại các chuyên ngành thiết yếu, vì sinh viên y khoa ra trường ưu tiên chọn các ngành như da liễu và thẩm mỹ, với thu nhập và điều kiện làm việc tốt hơn. Các chuyên gia cho rằng, việc thêm chỉ tiêu chỉ tạo áp lực cạnh tranh ở các nhóm ngành trên, chứ không giải quyết được tình trạng thiếu bác sĩ ở các ngành thiết yếu.
Bác sĩ phản đối quyết định chính phủ, mong giải pháp thỏa đáng
Hơn 2 tháng qua, cuộc khủng hoảng chưa thể hạ nhiệt vì chính phủ và hiệp hội y tế chưa tìm được tiếng nói chung. Việc này gây ra những thiệt hại nặng nề, trong đó bệnh nhân và các bệnh viện bị ảnh hưởng nhiều nhất
Nhiều bệnh viện lớn tại thủ đô Seoul đã phải cắt giảm một nửa số ca phẫu thuật, giảm công suất hoạt động do thiếu bác sĩ. Sự gián đoạn trong dịch vụ y tế khiến bệnh nhân lo lắng và gặp khó khăn, đặc biệt là các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Đỉnh điểm là cái chết của một bé gái 3 tuổi ngày 30/3 ở tỉnh Bắc Chungcheong. Em bé thiệt mạng do không thể làm phẫu thuật kịp thời vì 11 bệnh viện xung quanh từ chối tiếp nhận do thiếu nhân viên. Vụ việc gây ra một làn sóng phẫn nộ tại Hàn Quốc. Những tổn thất về mặt tinh thần và niềm tin của người bệnh ngày càng tăng.
11 bệnh viện ở tỉnh Bắc Chungcheong đã từ chối tiếp nhận em bé 3 tuổi. Nguồn ảnh: Yonhap
Nhiều bệnh nhân cho biết dù được nhập viện, nhưng họ cũng không được điều trị tường tận do thiếu bác sĩ và phòng bệnh điều trị.
Thiệt hại nặng nề cho các bệnh viện Hàn Quốc do đình công của bác sĩ
Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul tới có 10 trong số 60 khoa/phòng chức năng phải đóng cửa, và thiệt hại lên tới 100 tỷ won.
Nhằm đối phó với tình hình tài chính sụt giảm, các bệnh viện lớn không chỉ kéo giãn thời gian điều trị, giảm số bệnh nhân nhập viện, đóng cửa hoặc sáp nhập khoa phòng chuyên môn mà còn phân bổ lại cơ cấu nhân sự.
Người dân Hàn quốc hiện rất mong đợi Chính phủ và đội ngũ y, bác sĩ sớm tìm được tiếng nói chung nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng y tế, qua đó đưa hoạt động khám, chữa bệnh của các bệnh viện trở lại bình thường.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9