Khuyển ký

Những chú chó xinh đẹp, khôn ngoan, quý hiếm được săn đón, chăm bẵm, cưng chiều đang là "mốt" của nhiều gia đình. Nhiều người đam mê đến cuồng nhiệt, chăm sóc những "quý khuyển" chẳng khác nào chăm con.

Trong suốt 3 tháng cuối năm 2017, nhóm làm phim của Hãng phim TFS đã tiếp cận và ghi hình những chuyên gia và người nuôi chó hàng đầu tại TP.HCM và một số tỉnh thành. Đây là món quà mà chúng tôi trân trọng gửi đến khán giả nhân dịp mừng Xuân Mậu Tuất-2018. Quý khán giả có thể đón xem những bộ phim thú vị và đặc sắc này vào 8g40 thứ 6 (16/2 - tức Mùng 1 Tết) trên kênh HTV9 với phim "Quý khuyển - Từ thú chơi đến cơ nghiệp"; vào 9g thứ 6 (16/2 - tức Mùng 1 Tết) trên kênh HTV9 với phim "Chó bản địa", trong chương trình "Tạp chí văn hóa"; vào 8g thứ 7 (17/2 - tức Mùng 1 Tết) trên kênh HTV9 với phim "Quý khuyển và những nghề thú vị"... 


Nghề chơi cũng lắm công phu

Mọi người hẳn sẽ buồn cười khi nghe các từ dog show, thể thao chó, nhà hàng chó, khách sạn chó, bệnh viện chó, các thuật ngữ "xã hội hóa chó"... Thật ra, nó chỉ xa lạ và nghe có vẻ buồn cười với những người mới. Trong "thế giới" của những người yêu chó, đó là chuyện bình thường, xuất hiện từ khá lâu, họ còn lắm câu chuyện thú vị về chó, kể hoài không hết. Những người chuyên nghiệp còn có kiến thức chuyên sâu về khoa học, tâm lý, thể thao, mỹ thuật, thời trang, mỹ phẩm, thú y, chế độ dinh dưỡng, chế biến thức ăn, và các dịch vụ chăm sóc chó cũng như có mối quan hệ bạn bè rộng lớn trên toàn quốc và khắp thế giới. Trên mạng xã hội, các diễn đàn về chó, người ta chia sẻ những câu chuyện cảm động về chó: chó cứu người, chó trung thành, chó làm việc nhà, chó hát, chó chơi thể thao, chó chết theo chủ... Những câu chuyện này luôn nhận được sự thích thú, chia sẻ và "nóng" không kém các vấn đề thời sự nóng hổi.


 

Nhìn thấy nhu cầu cần phải tạo dựng một sân chơi để định hướng chuyên nghiệp cho những người yêu chó, Việt Nam đã thành lập Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam (VKA). Từ năm 2008, VKA đời từ sự nỗ lực của những "tay chơi nghiệp dư" sau nhiều năm mò mẫm tham gia các dog show chuyên nghiệp trên thế giới. Năm 2009 khi Hiệp hội những người nuôi chó giống quốc tế (FCI) chấp nhận VKA là đối tác hiệp đồng (The contract partners). 8 năm sau, tháng 11/2017 FCI đã công nhận VKA chuyển sang giai đoạn 2 (The associated members) là thành viên dự bị do những nỗ lực nâng cao tay nghề của những người nuôi chó giống Việt Nam. Chỉ chưa tới 10 con giống thuần chủng đăng ký ban đầu, đến nay VKA có gần 10 ngàn chó giống (có lý lịch ba đời) thuộc 58 giống chó trên thế giới, chó bản địa đã có 4.994 con (Phú Quốc 4.726, H’Mông 268). Từ 0 trại giống nay đã có 220 trại giống trong đó 32 trại nuôi chó giống bản địa. Số câu lạc bộ (CLB) người nuôi chó giống khá nhiều, gồm 15 CLB các giống ngoại và 11 CLB giống bản địa hoạt động sôi nổi tại nhiều nhiều tỉnh thành trên toàn quốc.


Từ một sân chơi, đến nay những người yêu chó ở Việt Nam đã tìm thấy những tiềm năng phát triển ngành nghề. Vừa chơi nhưng vừa phải tạo ra những sản phẩm giống cao cấp, là hướng đi cần thiết cho ngành chăn nuôi và nhân chó giống ở Việt Nam. Ngoài việc xem đó là một ngành nghề mới đem lại nhiều lợi nhuận, những người yêu chó còn tìm giải pháp để cứu vãn và bảo tồn những giống chó quý hiếm như: Phú Quốc, H’Mông cọc đuôi, Bắc Hà đang bị lai tạp và có thể tuyệt chủng. 

Con đường hội nhập

Nuôi và nhân chó giống là ngành nghề mới và tốn kém nhưng tại sao người chơi vẫn dấn sâu vào ngành này? Sau khi quan sát rất nhiều trại chó giống chuyên nghiệp hàng đầu ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Phú Quốc, tìm hiểu các cuộc thi chó giống, chó làm việc, câu trả lời mà chúng tôi nhận được là: Từ việc nuôi chó giống, bên cạnh có thu nhập, người nuôi chó sẽ nhanh chóng tiếp nhận nhiều kiến thức chuyên sâu về các dịch vụ chăm sóc chó, nuôi dưỡng, nhân giống cũng như có cơ hội mối quan hệ bạn bè rộng lớn trên toàn quốc và khắp thế giới.



Nếu Việt Nam chỉ đang ở giai đoạn nhập môn thì trên thế giới, ngành nuôi chó giống được ví như một ngành công nghiệp không khói đem lại những lợi nhuận khổng lồ. Ông Robert Kaczmarek, Giám đốc Toàn cầu phụ trách quan hệ chính phủ, pháp lý và đối ngoại Liên minh toàn cầu các Hiệp hội thức ăn thú cưng (GAPFA) cho biết: "Doanh thu các sản phẩm và dịch vụ thú cưng không ngừng tăng. Năm 2016, sản phẩm và dịch vụ thú cưng đạt 103.5 tỉ USD toàn cầu, lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỉ USD. Doanh thu thức ăn thú cưng tăng 4,8% đạt 75 tỉ USD. Hiệp hội các sản phẩm thú cưng Mỹ cho rằng, ngành thức ăn thú cưng tại đất nước này có lợi nhuận 63 tỉ USD năm 2016, so với 17 tỉ USD  năm 1994. Ngành thức ăn thú cưng ở châu Âu và nước Úc cũng chứng kiến tỉ lệ tăng trưởng 2,1% năm 2016 và doanh thu tại châu Âu đạt: 21.16 tỉ USD; Úc 2.54 tỉ USD".



Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu biết tận dụng cơ hội, nhanh chóng học hỏi và nắm bắt kiến thức, nhu cầu thị trường, trong tương lai, Việt Nam có thể mang về không chỉ hàng triệu mà là hàng tỉ đô-la doanh thu từ chó. Qua những chuyến thu hình, chúng tôi đã thấy những người rất trẻ ở Việt Nam đã tích lũy được rất nhiều kiến thức, năng động và sáng tạo. Họ tự lập và nhạy bén nắm bắt cơ hội trên bước đường khởi nghiệp như: anh Tôn Thất Anh Khương, Trần Xuân Bách, Trần Quang Trung... Rất nhiều người trẻ đã trở thành những ông chủ giàu có với thu nhập hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu từ việc mở các cửa hàng, dịch vụ nuôi, chăm sóc chó quý. Các giống chó nhập về Việt Nam cũng ngày càng đa dạng, các dịch vụ đi kèm từ chăm sóc, làm điệu, cắt tỉa lông, thuốc thú y, nước hoa, quần áo, nơ cho chó với giá từ hàng trăm đến hàng triệu đồng co mỗi sản phẩm khiến mọi người mắt chữ "o", miệng chữ "u" khi nghe thấy.



Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi đến thăm mô hình resort đầu tiên dành cho chó ở Việt Nam và nghe những câu chuyện về chó, về nghề huấn luyện viên chó đầy thú vị và cũng lắm công phu. Hay như lời kể của huấn luyện viên chó đầu tiên ở Việt Nam, Bác sĩ thú y Trương Văn Bê, chúng tôi đã có những thông tin, và hình ảnh tư liệu ghi nhận nghề chơi quý khuyển; lịch sử và địa danh gắn liền dòng chó làm việc thời kỳ đầu ở miền Nam Việt Nam từ những năm 1950. Câu chuyện càng cuốn hút khi chúng tôi thưởng thức môn thể thao rất mới - IPO dành cho nhóm chó làm việc (working dog) qua lời kể của huấn luyện viên Doãn Mạnh Hà (là người Việt đầu tiên ra nước ngoài thi đấu và là cầu nối để những người Việt Nam ưa thích bộ môn này có cơ hội tìm hiểu để cùng chơi với nhau theo hướng chuyên nghiệp). IPO được biết đến ở TP.HCM nhưng đang phát triển rất mạnh mẽ tại Hà Nội. Đọng lại trong chúng tôi vẫn là câu chuyện về chó Phú Quốc. Chó Phú Quốc đã khiến không biết bao người băn khoăn khi các nhà khoa học tuyên bố chúng đang có nguy cơ tuyệt chủng. Trong quá trình ghi hình, đoàn phim đã thấy rất nhiều sự nỗ lực của những người yêu mến chó Phú Quốc. Họ nỗ lực bảo tồn và giới thiệu giống chó đặc biệt này của Việt Nam ra thế giới.

 

 

Tuy có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp từ ngành chó giống nhưng chính người trong cuộc cũng day dứt băn khoăn vì những thách thức và rủi ro không nhỏ. Hằng năm giới nuôi chó bỏ ra số tiền không nhỏ để ra nước ngoài mua giống hay nhập thức ăn dinh dưỡng, mỹ phẩm, đồ chơi và các sản phẩm phục vụ ngành này từ các quốc gia khác. Bởi lẽ thị trường nội địa chưa được các doanh nghiệp trong nước chú ý, chưa có cách tiếp thị bài bản nên dù nhân chó giống đã tạo ra nhiều chó đẹp, con giống tốt nhưng giá bán ra thị trường nội địa chỉ bằng 1/5 so với con giống đầu tư ban đầu. Một số trại giống Việt Nam đã có thể xuất khẩu chó ra nước ngoài nhưng vẫn lúng túng, vì mải loay hoay thị trường nội địa với nhu cầu khá thấp.


Tâm sự của tác giả

Tôi là một tay ngang khi nhận thực hiện các tập phim về chó đã khá lo lắng. Mỗi ngày, tôi cố gắng cập nhật kiến thức từ nhiều nguồn và nhiều lĩnh vực. Từ một người chỉ có những kiến thức rất cơ bản về một số giống chó thông dụng, thì tôi nay có thể nhận diện được vài chục giống chó. Tôi đã gặp gỡ một số nhà khoa học tại phòng nghiên cứu ứng dụng sinh học thuộc trường Đại học Nguyễn Tất Thành và biết công trình nghiên cứu tìm gen quý ở chó Phú Quốc đã có những kết quả khả quan. 

Có nhiều khi quá mệt vì lịch quay kín mít nhưng ngày hôm sau 3g sáng tôi thức giấc, đọc sách hay tìm hiểu lịch sử tổng quát cả chó nhà lẫn chó sói, khái niệm về di truyền học và biểu hiện bệnh lý ở chó… Càng ngày, tôi càng cuốn hút vào các câu chuyện về chó, tôi nhận ra mình cũng rành rẽ về các ngành nghề dịch vụ xoay quanh chó giống trên thế giới, có thêm nhiều kiến thức, làm quen với những thuật ngữ mới lạ, những câu chuyện thú vị, đặc tính, lòng trung thành, sự thông minh của các chú chó và tôi trở thành một fan cuồng của các chú chó đáng yêu. 
An Bình - Ảnh: Nguyễn Minh Khang & Tạ Ngọc Sơn