Kim Tử Long - Từ vai hề lên kép chính

Thiên Bình 16/10/2021, 07:00

Sau 4 năm khổ luyện tại trường Đào tạo diễn viên Nhà hát Trần Hữu Trang, Kim Tử Long thi tốt nghiệp với vai anh hề trong vở "Nàng tiên mẫu đơn". Nam nghệ sĩ chia sẻ: "Khi nhận vai này, Long buồn cực kì".

Trong "Ký ức Sài Gòn - TP.HCM" tuần này, khán giả sẽ gặp gỡ và lắng nghe câu chuyện nhiều màu sắc của nghệ sĩ cải lương Kim Tử Long. Theo dòng ký ức của nghệ sĩ, người xem sẽ thấy lại bối cảnh nền văn hóa nghệ thuật tại TP.HCM những năm thập niên 90.

"Đó là những năm đoàn hát cải lương rợp trời, đi đâu cũng nghe cải lương. Sáng ngủ dậy là nghe từ loa sắt giọng của Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng, Út Trà Ôn... Các rạp hát có rất nhiều đoàn cải lương, đoàn tỉnh, đoàn thành phố, đoàn ấp, phường, xã... Lúc đó, tân nhạc chưa phát triển".

Anh còn chia sẻ: "Mỗi lần đi học về nghêu ngao câu vọng cổ là mẹ Long thích lắm nhưng ba thì không. Ba làm ngành y, là thầy thuốc và ba kỳ vọng Long có thể trở thành bác sĩ hoặc kỹ sư". 

Vì quá mê cải lương, năm 12-13 tuổi, nghệ sĩ Kim Tử Long đã nhịn tiền ăn sáng, dành dụm tiền để qua thầy Út Trong học nhịp ca cải lương.

Nghệ sĩ Kim Tử Long kể lại: "Long đi bộ từ nhà qua cầu chữ Y để học, mỗi ngày 3 cây số, mỗi tuần 3 buổi. Đến năm 14 tuổi, ba đã phát giác ra việc này và Long cũng khai thật với ba. Nhưng ba nói nghề đó không phải nghề của con. Quan điểm của ba cuối cùng cũng thay đổi khi người bạn của ba - ba vợ của danh ca Minh Cảnh, cùng cháu gái là bé Nhi đến nhà chơi". 

Lúc đó, ông ngoại bé Nhi mở đàn kìm đàn cho cháu gái hát. Nghệ sĩ Kim Tử Long tiết lộ: "Cô bé mới chỉ 8 tuổi nhưng ca hay tuyệt vời. Khi thấy ba Long khen bé Nhi hết lời, mẹ liền nói cho Long ca. Nhưng ba gạt đi, ba bảo "Nó ca được gì, nó nghêu ngao thì được". Cuối cùng, ông ngoại bé Nhi lấy đờn kìm ra đờn cho Long ca thử bài "Nhớ mẹ" - cũng là bài đầu tiên thầy Út Trong dạy cho. Ba nghe xong thì ngớ người, không nghĩ Long hát vậy được. Ông ngoại bé Nhi bảo Long có tương lai, giọng tốt và trong, khuyến khích ba cho Long học hát". 

Sau đó, hai ba con nghệ sĩ Kim Tử Long đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn và nghiêm túc với nhau. Nghệ sĩ Kim Tử Long vẫn nhớ lời ba nói "Ông bà có câu "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", nếu con chọn đi hát thì con phải quyết tâm làm cho được. Còn nếu con nghĩ đó là trò vui thì thôi. Vào năm 14 tuổi, Long đã nói với ba là sẽ quyết tâm làm đến cùng".

Sau đó, ba nghệ sĩ Kim Tử Long tìm cho anh một ngôi trường có tiếng lúc bấy giờ, đó là trường Đào tạo diễn viên Nhà hát Trần Hữu Trang. Khóa 1 của trường có Thanh Thanh Tâm, Chí Linh, Vân Hà... Còn Kim Tử Long học khóa 2, cùng với Thoại Mỹ, Ngọc Huyền, Quang Châu, Tô Châu...

Ở trong trường, Kim Tử Long được Má Bảy Phùng Há cùng các thầy cô dạy dỗ và giúp đỡ rất nhiều. Anh thi đầu vào được điểm cao nhất, được NSND Phùng Há truyền lại những bộ tịch cải lương Hồ Quảng. Nghệ danh Kim Tử Long - con rồng vàng nhỏ bay trong bầu trời nghệ thuật - của anh cũng do nghệ sĩ Phùng Há đặt cho.

Sau 4 năm khổ luyện tại trường, Kim Tử Long thi tốt nghiệp với vai anh hề trong vở "Nàng tiên mẫu đơn". Nam nghệ sĩ chia sẻ: "Khi nhận vai này để thi Long buồn cực kì. Bốn năm học hành mới được thi thố tài năng, Long muốn để gia đình thấy mình có thể làm kép chính, kép nhì. Vậy mà đóng hề! Sau đó Má Bảy bảo: "Con ơi, những vai kia các bạn làm được hết, riêng vai này chỉ mình con làm được nên Má mới giao cho con"". 

Nghệ sĩ Kim Tử Long còn nói thêm: "Má Bảy nói một câu mà tới giờ Long vẫn thấm thía vô cùng. Đó là, "Người nghệ sĩ giỏi là phải biết thể hiện qua tất cả các loại vai, từ xã hội tới tuồng cổ, từ vai chính tới vai phụ, từ vai hề tới vai độc, từ vai độc tới vai lão... Làm được thì mới là nghệ sĩ tài năng".

Nghe câu đó khi còn nhỏ thì Long đâu hiểu, chỉ biết mình đóng vai hề là buồn thôi. Nhưng sau buổi diễn đó, trong vở người ta chỉ nhớ tới vai hề Gia Đồng. Ra đường mọi người thấy Long liền nhắc "Ê, Kim Tử Long Gia Đồng kìa"". 

Trong cuộc trò chuyện với người dẫn chương trình của "Ký ức Sài Gòn - TP.HCM", nghệ sĩ Kim Tử Long sẽ còn chia sẻ về quá trình đi lên trong sự nghiệp của anh.

Đó là hành trình từ một anh hề lên kép chính; Sự xuất hiện của anh trong băng "Mưa bụi"; Dấu ấn của ca khúc "Lời cuối cho tình yêu" cùng Tài Linh; Những ký ức của anh về thời vàng son của sân khấu cải lương; Khung cảnh các rạp hát năm xưa và cách người hâm mộ thập niên 90 và những năm 2000 thể hiện tình cảm; Những giai thoại về việc Kim Tử Long biết làm ảo thuật, về tài sản ngàn cây vàng và 30 chiếc xe hơi của anh...

Cuộc trò chuyện đầy lôi cuốn của nghệ sĩ Kim Tử Long sẽ được phát sóng trong "Ký ức Sài Gòn - TP.HCM" kỳ này. Quý khán giả có thể đón xem vào 10g Chủ nhật (17/10) trên kênh HTV7. 

Ý kiến của bạn: