Hè rồi đi thôi - Tập 11

Kỳ công gìn giữ và nâng tầm giá trị truyền thống

Lâm Vỹ Dạ, Huỳnh Lập, DatKaa rất thán phục trước niềm đam mê của những nghệ nhân nghề truyền thống. Đặc biệt, là sự say mê, nhiệt huyết của ê-kíp "Rối Mơ" trong việc nâng tầm nghệ thuật múa rối.

Khu làng nghề Cham Oasis là nơi tổng hợp các nghề truyền thống của vùng đất Nam Trung bộ như: làm nón lá, gốm Chăm, tranh thêu tay trên lụa,... được giới thiệu đến du khách bằng nhiều hình thức sống động. Những sản phẩm trưng bày đều được làm thủ công, với mẫu mã và công dụng khác nhau.

Khu làng nghề truyền thống Cham Oasis trưng bày nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Bộ ba được gặp gỡ và trò chuyện cùng cô Lợi, nghệ nhân đan nón lá với 45 năm tuổi nghề. Các nghệ sĩ không khỏi thán phục trước đôi tay điêu luyện, tạo ra những đường thêu tinh xảo trên chiếc nón lá của cô Lợi, dù hiện tại cô đã lớn tuổi. Thông qua những chia sẻ của cô Lợi, khán giả có thể biết được quy trình làm ra thành phẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, và hơn hết để làm ra một chiếc nón lá thủ công chất lượng không phải là điều dễ dàng.

Chiếc nón lá được tạo nên từ sự tỉ mỉ, khéo léo và đam mê của người nghệ nhân

Sau đó, di chuyển đến nhà nghề làm gốm Chăm, nhóm nhận được sự hướng dẫn của chị Đặng Thị Thu Cao, chuyên làm gốm Bàu Trúc, và gia đình chị đã có truyền thống làm gốm lâu đời. Giải đáp thắc mắc của Huỳnh Lập về loại đất được sử dụng, chị chia sẻ: “Ở địa phương có một mỏ đất của tự nhiên, bình thường sẽ trồng lúa. Sau 4 tháng cắt lúa, đất khô thì người ta sẽ đào bỏ đi nửa mét đất. Họ lấy phần đất còn lại về phơi khô. Sau đó, khi muốn sử dụng, thì phần đất này sẽ được đập nhuyễn và ngâm với nước”. Sau đó, đất sẽ đi qua thêm một khâu xử lý để trở thành đất sét. Để có thể làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh đòi hỏi sự am hiểu về kỹ thuật nặn, quy trình nung phức tạp.

Bộ ba thích thú với việc tạo hình đất sét

Di chuyển đến Nhà hát Đó, Huỳnh Lập cùng Lâm Vỹ Dạ và DatKaa đã được chị Lê Hồng (Phó Tổng Giám đốc VGE) dẫn tham quan Nhà hát Đó. Được khai trương vào ngày 1/4/2023, đây nhà hát tư nhân đầu tiên cũng như có kiến trúc văn hóa bản địa lớn nhất Việt Nam, theo tiêu chuẩn châu Âu với 536 chỗ ngồi. Hiện tại, Nhà hát Đó đang phục vụ một vở diễn duy nhất, đồng thời là đặc sản mang tên “Rối Mơ”.

Nhà hát Đó với kiến trúc hình cái đó (miền Tây gọi là nơm, chuyên dùng để bắt cá)

Với 4 sàn diễn gồm dưới nước, trên cạn, trên cao và đu dây đã tạo nên sự đa dạng trong các thức trình diễn của “Rối Mơ”. Hơn hết, để có thể mang đến tiết mục đậm tính nghệ thuật, "Rối Mơ" có đội ngũ nhân lực luôn hết mình với đam mê. Hầu hết các đạo cụ, ý tưởng đều được ê-kíp tự tìm tòi, thực hiện trong suốt 1 năm. Song song đó, các diễn viên đều phải trau dồi cho mình những kỹ năng để có thể mang đến linh hồn cho các chú rối. Đặc biệt hơn cả, những gì mà bộ ba “Hè rồi đi thôi” được trải nghiệm tại Nhà hát Đó đều được trực diễn 100%, cũng chính vì thế mà “Rối Mơ” và loại hình múa rối được nâng tầm giá trị về mặt nghệ thuật. 

Nhà hát Đó luôn cố gắng nâng tầm giá trị nghệ thuật của loại hình múa rối

Duy Dương