Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01/01/1914 - 01/01/2024)

MINH NGỌC // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 1/1/2024, 23:20

(HTV) - Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - nhà chính trị, quân sự song toàn, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là một trong 2 Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 01/01/1914, tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Lớn lên trên quê hương giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của nhân dân dưới ách áp bức thống trị của chế độ thực dân, phong kiến, Đại tướng đã sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, tham gia cách mạng từ năm 1934.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trao đổi tình hình chiến sự chiến trường miền Nam (1967)

Đồng chí đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) vào năm 1937 và được giao trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên khi mới 24 tuổi. 

Từ năm 1938 đến năm 1945, Đồng chí 3 lần bị địch bắt, Từ năm 1938 đến năm 1945, đồng chí ba lần bị địch bắt giam trong các nhà tù Thừa Phủ, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột nổi tiếng tàn khốc ở miền trung, nhưng đồng chí luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, ý chí kiên định, biến nhà tù thành trường học cách mạng. Sau mỗi lần thoát khỏi chốn lao tù, đồng chí lại trở về xây dựng cơ sở, tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh. 

Tháng 8/1945, đại diện cho tổ chức đảng ở Trung Kỳ, đồng chí được cử ra Việt Bắc tham dự Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào. Tại hội nghị, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.  Đồng chí đã có công lớn gây dựng lại phong trào cách mạng ở Thừa Thiên-Huế và chỉ đạo xoay chuyển tình thế, tạo ra các bước ngoặt cách mạng ở Bình - Trị - Thiên.

Năm 1950, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm Phó Bí thư Tổng Quân ủy. Đồng chí  đã góp phần đặt nền móng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, nhiệm vụ chính trị, quân sự của Đảng, đồng thời có nhiều đóng góp to lớn trong phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Năm 1959, đồng chí được Quốc hội, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam - vị Đại tướng thứ hai của quân đội ta. Tháng 9/1960, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, kiêm Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Hội đồng quốc phòng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Từ năm 1961 đến năm 1964, trước yêu cầu đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và phát triển phong trào hợp tác ở miền bắc, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phân công làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương.

Trên từng cương vị, chức trách, đồng chí đều chú trọng công tác xây dựng phong trào, chỉ đạo quá trình thực hiện. Rất nhiều phong trào đã ghi dấu ấn sâu đậm về khả năng tổ chức tài tình của Đại tướng. Điển hình như phong trào thi đua "Gió Đại Phong" trong nông nghiệp, "Sóng Duyên Hải" trong công nghiệp và "Cờ ba nhất" trong quân đội, tạo khí thế yêu nước cách mạng, xây dựng tiềm lực về tinh thần và vật chất để miền Bắc trở thành hậu phương lớn của cả nước trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cuối năm 1964, được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương tin tưởng giao nhiệm vụ, đồng chí đã trực tiếp vào chiến trường miền Nam,  đảm nhiệm trọng trách Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy quân giải phóng miền Nam. Đồng chí luôn giương cao và khẳng định tư tưởng dám đánh, quyết đánh Mỹ và tin tưởng nhất định sẽ đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.

Từ thực tiễn chiến đấu của các địa phương, đơn vị, đồng chí đã tổng kết thành phương châm chỉ đạo tác chiến, trở thành khẩu hiệu hành động cách mạng nổi tiếng, nhanh chóng đi vào lòng người lan tỏa thành cao trào cách mạng trên khắp chiến trường, như: “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, lập các “Vành đai diệt Mỹ”, thi đua phấn đấu trở thành “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Đồng chí luôn nắm bắt nhanh nhạy và khái quát sâu sắc cục diện cuộc chiến để đề ra quyết sách cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết đánh và quyết thắng quân Mỹ xâm lược. 

Tháng 6/1967, theo yêu cầu của Trung ương, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra Hà Nội để báo cáo tình hình, kế hoạch hoạt động các chiến trường và nhận thêm chỉ thị mới. Tuy nhiên, ngày 6/7/1967, đúng vào ngày lên đường trở lại chiến trường miền Nam, đồng chí đột ngột qua đời sau một cơn đau tim nặng. 

Với những đóng góp xuất sắc của đồng chí đối với cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được Đảng, Nhà nước tặng, truy tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh hạng nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. 

Với 53 tuổi đời, hơn 30 năm cống hiến cho Đảng và Nhân dân, dù trên bất kỳ cương vị nào, đồng chí luôn tạo ấn tượng đặc biệt về một người lãnh đạo văn võ song toàn, một danh tướng tài ba, đức độ, suốt đời sống và làm việc theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn là tấm gương với lối sống trong sáng, giản dị. Đồng chí luôn kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ, đồng cam cộng khổ với đồng bào, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, lời nói đi đôi với việc làm, lý luận gắn chặt với thực tiễn.

Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú, cũng như những đóng góp xuất sắc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là tấm gương sáng ngời để mỗi đảng viên, cán bộ chiến sĩ hôm nay học tập, noi theo. Đó cũng là hành động thiết thực để tri ân, tưởng nhớ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: