70 năm trước, ngày 22/4/1954, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có Thư động viên đẩy mạnh cuộc thi đua đánh tỉa quân địch tại mặt trận Điện Biên Phủ.
Ngày 22/4/1954, cứ điểm 206 thuộc tuyến phòng ngự ngoại vi bảo vệ khu trung tâm tập đoàn cứ điểm và sân bay Mường Thanh, bị quân ta tiêu diệt. Quân địch sống sót giơ tay xin hàng.
Toàn văn Thư động viên của Đại tướng
"Hỡi các chiến sĩ bắn súng trường!
Hỡi các chiến sĩ bắn súng máy!
Hỡi các chiến sĩ bắn súng cối!
Hỡi các chiến sĩ pháo binh!
Sau những thắng lợi to lớn của quân ta ở Điện Biên Phủ, hiện nay trận địa bao vây của ta đã tiến sát đến khu trung tâm của địch.
Khu trung tâm của chúng hiện đã ở vào trong tầm hoạt động của các cỡ hỏa lực của ta.
Để làm cho địch càng ngày càng bị tiêu hao mệt mỏi, tinh thần sút kém, thương vong chồng chất,
Để làm cho chúng luôn luôn lo sợ và căng thẳng, ăn không ngon, ngủ không yên, bất cứ lúc nào cũng có thể bị ta bắn chết,
Để tạo điều kiện cho quân ta giành được những thắng lợi lớn hơn, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ,
Tôi kêu gọi:
Toàn thể các chiến sĩ bắn súng trường,
Các chiến sĩ bắn súng máy,
Các chiến sĩ bắn súng cối,
Các chiến sĩ pháo binh,
Hãy phát huy cao độ tinh thần tích cực diệt địch, nỗ lực thi đua đánh tỉa quân địch ở Điện Biên Phủ.
Một viên đạn, một tên địch,
Một viên đạn, mấy tên địch,
Kiên nhẫn tích cực, nhằm đúng mục tiêu, hễ bắn là trúng.
Đồng chí nào sẽ là người chiến sĩ thiện xạ bắn súng trường giỏi nhất trên mặt trận Điện Biên Phủ?
Đồng chí nào sẽ là người bắn súng máy, súng cối giỏi nhất, sẽ là người chiến sĩ pháo binh giỏi nhất trên mặt trận Điện Biên Phủ?
Bộ Tổng tư lệnh đang chờ đợi thành tích của các đồng chí để khen thưởng các đồng chí và đơn vị của các đồng chí.
Chào thân ái và quyết thắng.
Ngày 22 tháng 4 năm 1954
TỔNG TƯ LỆNH
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP"
Ngày 22/4/1954, quân ta hoàn toàn làm chủ sân bay
Tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 22/4/1954, ta tiêu diệt cứ điểm 206 bằng chiến thuật đánh lấn, cứ điểm cuối cùng của địch nằm sát sân bay ở phía Tây. Quân ta hoàn toàn làm chủ sân bay.
Về phía ta: 22 giờ ngày 22/4/1954, Trung đoàn 36 cho lệnh dùng những phân đội nhỏ đánh vào cứ điểm, chiếm một số lô cốt đầu cầu. Số đạn lựu pháo dành yểm trợ cũng giống như mọi đêm là 20 quả. Nhưng khi lựu pháo mới bắn tới phát thứ 13 thì xung kích đã yêu cầu dừng ngay. Ba mũi tiến công cùng lúc từ lòng đất nhô lên, đặt bộc phá giật đổ 03 lô cốt đầu cầu.
Binh lính địch tại đây kinh hoàng khi thấy những người lính đội mũ lá, cầm súng có lưỡi lê xuất hiện giữa đồn, chúng chỉ còn cách giơ tay đầu hàng. Không bỏ lỡ cơ hội quý giá, cả ba mũi đánh thốc vào khu sở chỉ huy địch. 15 phút sau, Trung đoàn 36 đưa tiếp vào đồn thêm hai trung đội. Trong vòng không đầy một giờ, bộ đội ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm 206. Phần lớn số 177 lính lê dương bảo vệ vị trí bị ta bắt sống.
Bộ đội ta đã tiêu diệt một vị trí quan trọng do một đơn vị lê dương sừng sỏ bảo vệ, với tổn thất không đáng kể. Nghe tù binh báo cáo viên chỉ huy cứ điểm tử trận và điện đài bị hỏng ngay từ loạt đạn pháo đầu tiên, Trung đoàn trưởng 36 chỉ thị cho bộ đội sử dụng những khẩu đại liên trong đồn địch, thỉnh thoảng bắn từng loạt ra ngoài như mọi đêm. Quân địch tại Mường Thanh yên tâm tưởng chưa có chuyện gì xảy ra với cứ điểm 206, trong lúc đó bộ đội ta thu dọn chiến lợi phẩm.
Trận đánh chiếm cứ điểm 206 đã hoàn thiện và thực sự khẳng định thành công của chiến thuật được gọi là "đánh lấn", khởi đầu từ khi ta tiêu diệt các cứ điểm 106 và 105 thuộc trung tâm đề kháng Huguette bảo vệ sân bay.
Một lần nữa chúng ta càng thấy rõ tác dụng to lớn của cách đánh nhỏ truyền thống, thể hiện sự thông minh, sáng tạo, chủ động của những người chiến sĩ sinh ra từ đồng ruộng, bám đất bám làng chiến đấu trong suốt cuộc chiến tranh. Cái chết không kịp cất tiếng kêu của cứ điểm 206 đã làm cho quân địch ở Điện Biên Phủ bàng hoàng. Từ giờ phút đó trở đi, mỗi khi đường hào của ta tới gần, quân địch ở trong cứ điểm không còn chỉ thấy đây là mối đe dọa, mà chính là cái chết đã tới, một cái chết không báo trước, xuất hiện từ lòng đất.
Về phía địch: Trong cuốn "Chúng tôi đã ở Điện Biên Phủ", Jean Pouget là thư ký riêng của Navarre, trong giai đoạn cuối tình nguyện nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, kể lại: Ngày 22/4, Đại đội 04 thuộc Bán lữ đoàn lê dương 13 tới đóng lại cứ điểm 206 được 04 ngày đêm, thay cho đại đội thuộc Trung đoàn lê dương số 02. Từ hôm trước, nhiều đợt tiếp tế và tăng viện từ sở chỉ huy chỉ cách cứ điểm 206 khoảng 100 mét, nhưng không thể nào vượt qua được sự ngăn chặn của Việt Minh. Lúc 2 giờ 30 sáng 23/4, liên lạc vô tuyến từ sở chỉ huy tới cứ điểm 206 đột nhiên bị đứt. Mãi tới lúc rạng sáng, khi một lính lê dương sống sót từ cứ điểm 206 chạy về được sở chỉ huy báo cáo lúc đó mọi người mới biết cứ điểm 206 đã bị chiếm.
De Castries đích thân hỏi chuyện người lính lê dương này. Anh ta báo cáo, cứ điểm thất thủ không phải theo kiểu tập kích thông thường mà là Việt Minh đã đào những đường hầm xuyên dưới lớp rào và các công trình phòng ngự, vào tận trung tâm cứ điểm. Đúng nửa đêm, nền đất trong cứ điểm đột nhiên sụt lở khắp nơi. Lính trong cứ điểm như bị tê liệt tại chỗ. Đại úy Sovalie nhảy vội lên nóc hầm, chỉ huy khoảng 10 lính lê dương chống lại. Nhưng rồi, chính Đại úy cũng bị sụt dần như đứng trên bãi cát đang bị lún, giữa đám đông binh lính tầm vóc bé nhỏ đang xông đến từ khắp phía.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9