Tạp chí HTV - Nghệ sĩ & HTV

Làm phim phải tìm sự khác biệt trong dòng chảy

NSƯT Nguyễn Hoàng và đạo diễn Nguyễn Tường Phương là hai nhân vật nổi tiếng trong giới làm phim. Hai ông đã dành cả quãng đời mình gắn bó với Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, cùng nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017.

Điểm chung cũng là thế mạnh của hai ông là phong cách kể chuyện trong tác phẩm dẫu là phim truyện hay phim tài liệu. Đó là việc chọn đề tài từ những điều giản dị, những nhân vật hiền lành chân chất, số phận trắc trở nhưng vẫn khát khao vươn tới cái đẹp, nhân ái. 

NSND Đào Bá Sơn, đạo diễn Nguyễn Tường Phương nhận giải thưởng về Nhà nước Văn học nghệ thuật

ĐẠO DIỄN NGUYỄN TƯỜNG PHƯƠNG

Người ta nói ông là một đạo diễn nổi tiếng chỉn chu, ông chọn nghề hay nghề chọn ông?

Đạo diễn Tường Phương: Tôi mê điện ảnh từ nhỏ, điều đó ăn sâu và luôn ám ảnh tôi, nhưng đó là ước mơ của một đứa bé “nhà quê” không hiểu gì về nghệ thuật. Lúc nhỏ, tôi luôn tò mò về những câu chuyện xung quanh mình. Tôi gặp những người cư xử kém – tôi ấm ức, gặp những người tốt, tôi ngạc nhiên. Tôi đem những điều mình trăn trở hỏi ba mình. Ba tôi vốn là một giáo sư, một nhà điêu khắc được đào tạo tại Ý và Pháp. Ông khuyên tôi nếu muốn làm nghệ thuật phải chuẩn bị sự hiểu biết thật kỹ, phải có kiến thức nền lẫn kiến thức thực tế. Chính ông đã giúp tôi vỡ lẽ nhiều điều của cuộc sống. Với tôi, nghệ thuật chỉ là phương tiện giúp tôi diễn đạt chiều sâu tâm thức, giải tỏa cái vô thức bên trong con người. Tôi luôn đi tìm câu trả lời về những cái vô lý và lý giải nó trong các tác phẩm của mình. Chúng ta ngày càng lớn lên, già đi và có quá nhiều thứ để suy ngẫm. Và làm đạo diễn suy cho cùng cũng là làm về những thứ mà ta đã suy ngẫm.

Các thế hệ sinh viên của Trường Đại Học Sân khấu – Điện ảnh nói ông là “một người thầy khó tính một cách đáng quý”, ông nghĩ gì về nhận xét này?

Tôi không cố tình tạo cho mình hình ảnh một người thầy nghiêm khắc hay khó tính hay như nhận xét của học trò. Tôi là người truyền ngọn lửa đam mê để học trò khám phá sự sáng tạo trong chính họ. Trên giảng đường, tôi là người nghiêm túc, là người giúp sinh viên trang bị kiến thức nền. Nghệ thuật không thể cứng nhắc, nó là tư duy chứ không phải kỹ năng nên tôi dạy phương pháp tư duy chứ không dạy kỹ năng. Tôi muốn trang bị cho các bạn trẻ kiến thức và lòng đam mê để nhìn cuộc đời sâu sắc hơn. Khi đã có kiến thức, hiểu biết, ham muốn khắc đến, khi kiến thức dày, cảm xúc sẽ phiêu. Tôi không muốn học trò giống mình hoặc giống bất kỳ bộ phim nào tôi đã làm. Bản chất cuộc sống và nghệ thuật đều là những dòng chảy không bao giờ ngừng, tôi chỉ là người giúp các em tìm sự khác biệt trong dòng chảy đó. Tôi nói với học trò mình rằng đừng làm “sọt rác” của người khác mà phải tự tìm tòi, sáng tạo, đó mới là trách nhiệm của người làm nghệ thuật.

Đạo diễn Nguyễn Tường Phương

Ông là đạo diễn có thể làm cả phim truyện và phim tài liệu, thể loại nào ông cũng mang nặng những trăn trở?

Trước khi làm phim truyện, tôi là đạo diễn phim tài liệu. Dù thể loại nào thì cả hai đều là hình tượng, là thái độ, quan điểm của nghệ sĩ trước cuộc sống. Phim tài kiệu đòi hỏi tính chân thật, điều đó giúp tôi trong phương thức sáng tác. Phim truyện dẫu hư cấu nhưng cũng phải dựa vào cuộc sống. Tôi nhờ cái gốc học văn nên tiếp cận và cảm nhận cả hai thể loại một cách đầy cảm xúc. 

Người nước ngoài làm phim khác mình nhiều lắm. Đạo diễn đi tìm câu trả lời và tự chịu trách nhiệm chứ không phụ thuộc vào não trạng xã hội. Khán giả cũng tôn trọng sự khác biệt để nhiều vấn đề khác nảy sinh. Riêng phim truyện, chúng ta không thiếu đạo diễn tài năng, chúng ta cũng đang có sự chuyển hướng nhưng vẫn còn bị vướng nhiều vấn đề về doanh thu, rating. Nếu chúng ta giải phóng được, vượt qua được, một nền điện ảnh phải vì công chúng thì chúng ta sẽ phát triển.


Ở tuổi của mình, Tết của ông hẳn là nhiều sự chiêm nghiệm?

Với tôi, Tết là dịp để nghĩ về đời mình, về nghề nghiệp, bạn bè, gia đình. Cảm xúc này mạnh nhất trong tôi vào đêm giao thừa. Tôi sinh ra và lớn lên ở Bến Tre nên thích đón Tết ở quê, thích gặp bà con thân thuộc, thích nhìn mai vàng nở rực khu vườn và in bóng xuống mặt nước thanh bình vùng sông nước Cửu Long, uống ly rượu đế quê hương, như vậy với tôi là quá đủ để hưởng xuân rồi. 

Một số giải thưởng tiêu biểu:

Lời thề: giải khuyến khích của Hội Điện ảnh VN

Những con mắt của biển – Phim tài liệu: giải Cành Mai Bạc

Nhịp cầu nối lại – Phim tài liệu – Bông Sen Bạc

Dưới cờ đại nghĩa: giải Cánh Diều Vàng năm 2007 

Ngã rẽ: Cánh Diều Bạc năm 2010

Câu chuyện pháp đình: Huy chương Bạc tại Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc 2012

Đất mặn: Huy chương Vàng Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc 

Huy chương Vì sự nghiệp điện ảnh Việt Nam

Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật 2017

NSƯT NGUYỄN HOÀNG

Ông là người gắn bó với phim tài liệu, với Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh hơn 40 năm, hẳn có một “tình yêu son sắt” ông mới gắn bó lâu dài đến vậy ?

Tôi đã chọn nghề làm phim truyền hình cách đây hơn 40 năm, ban đầu là quay phim thời sự, rồi tiếp tục nâng tay nghề quay được phim phóng sự, phim tài liệu. Làm phóng viên quay phim mảng thời sự giúp tôi nhanh nhạy trong tác nghiệp, có nhiều vốn sống, trải nghiệm. Điều đó cũng giúp tôi rất nhiều về thế giới quan và nhân sinh quan trong việc lựa chọn đề tài và thể nghiệm phim tài liệu. Cứ như thế, nghề làm phim tài liệu cứ theo tôi như cái nghiệp, không thoát ra được. Với tôi làm phim tài liệu là niềm đam mê, là tình yêu theo mình suốt cuộc đời. Đúng là 40 năm, tôi chỉ theo đuổi một tình yêu, một bến đỗ duy nhất là phim tài liệu. Nơi cho tôi niềm hạnh phúc, những giây phút thăng hoa, tình bạn bè, đồng nghiệp cao cả đó là Hãng phim TFS – Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh.


NSƯT Nguyễn Hoàng

Ông vừa về hưu nhưng vẫn rất đắc show với nhiều công việc khác nhau, nghệ thuật có ý nghĩa thế nào trong cuộc đời ông?


Khi trao đổi nghề đạo diễn phim tài liệu cùng đồng nghiệp và các bạn trẻ, tôi thường nói vui những cũng rất thật là: "Làm đạo diễn là khó, trong khi ta chưa có tài năng thì phải thật siêng năng mới mong có cơ hội thành công”. Ông bà ta thường nói: "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", và cuộc sống thì luôn đa dạng và phong phú, mỗi người, mỗi nghề khác nhau nhưng phải giỏi nghề.Tôi đến với nghệ thuật như cái duyên định mệnh, điều đó khiến những năm tháng cuộc đời tôi có ý nghĩa hơn, đẹp hơn. Tôi luôn nỗ lực một cách “sống chết” với nghề mà mình đã chọn. Đó là điều thiêng liêng trong trái tim tôi, khiến tôi lúc nào cũng rạo rực khi bắt đầu một dự án phim mới. Nếu không làm đạo diễn phim tài liệu thì có lẽ tôi là người nông dân cần mẫn biết cấy lúa, biết làm vườn, an phận sống như cha ông mình ở miền Tây sông nước quê tôi.

Ông khuyên các nhà làm phim trẻ điều gì từ kinh nghiệm “chinh chiến” suốt 40 năm làm phim tài liệu của ông?

Đối với lớp trẻ, thế hệ kế cận tương lai, cần giúp họ hiểu rõ giá trị của phim tài liệu rồi mới đòi hỏi sự yêu thích, đam mê ở các em. Theo tôi, nếu để truyền kinh nghiệm cho các bạn trẻ thì thiết thực nhất là truyền cho họ những thất bại, sự nuối tiếc của chính mình trong quá trình làm phim. Khi đi nói chuyện với các nhà làm phim trẻ, tôi luôn bắt đầu từ những thất bại của mình và chỉ rõ cho họ thấy vì sao thất bại. Tôi nghĩ, mỗi người làm phim đều cần chuyển tải đến với khán giả những cảm xúc chân thực nhất, không hoa mỹ, màu mè. Thời đại bây giờ quá nhiều phương tiện truyền thông, với cả trăm kênh truyền hình, chưa kể trên mạng, thông tin rất nhiều. Tại sao phim chúng ta làm không được khán giả xem nhiều? Theo tôi, có lẽ vì chúng ta làm phim không đáp ứng nhu cầu khán giả, làm theo kiểu chủ quan của mình.

Hơn 40 năm làm nghề hẳn ông có rất nhiều kinh nghiệm, làm sao để phim tài liệu chạm được cảm xúc của khán giả?

Để có một phim tài liệu tốt thì cần có đề tài tốt, nhân vật hay, chân thật, tự nhiên và có sự may mắn nữa. Tôi hay tìm đề tài và những nhân vật gần gũi với đời, những người bình dị mà có hành động và lời nói đầy thuyết phục. Tôi nghĩ sự sáng tạo trong một tác phẩm để chinh phục được người xem phim là những thông tin mới, cảm xúc, tránh lập đi lập lại những gì mà bản thân và đồng nghiệp đã làm. Mỗi phim làm ra, mình xem đi xem lại nhiều lần mà chưa thấy chán là được. Vai trò sáng tạo cá nhân càng nhiều thì tác phẩm có giá trị càng cao và có sức sống lâu cùng năm tháng. 


Đạo diễn - NSƯT Nguyễn Hoàng cùng các đồng nghiệp trong seris Ký sự Biển đảo quê hương do TFS đang thực hiện

Ở tuổi của mình, Tết của ông hẳn là nhiều sự chiêm nghiệm?

Tôi sống ở TP. Hồ Chí Minh từ năm 1971, đến nay gần 50 năm nhưng tôi chưa từng ăn Tết ở nơi này. Cúng giao thừa xong là tôi về với mẹ ở Bình Dương. Mẹ tôi chính là sự kết nối con cháu với ông bà tổ tiên. Tết đốt nén nhang lên bàn thờ cửu quyền thất tổ, nghĩ về tổ tiên, dòng họ, tôi cũng chiêm nghiệm được nhiều điều khác. Đó là một dòng chảy thú vị và mang nhiều ý nghĩa. 

Một số giải thưởng tiêu biểu:

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, đạo diễn Nguyễn Hoàng thực hiện gần 100 tập phim tài liệu, chủ yếu là phim về đề tài cách mạng, hậu chiến và về Bác Hồ.

Giữa ngàn thác lũ: Giải A Hội Điện ảnh Việt Nam, 1994

Cánh chim không mỏi: Bông Sen Vàng, Liên hoan phim Việt Nam, 1998

Mê Kông ký sự: Cánh Diều Vàng, 2007

Những cánh hoa ngược dòng: Huy chương Vàng LHP truyền hình

Hồ Duyên