Lễ chùa Rằm tháng Giêng - Nét đẹp văn hóa tín ngưỡng người Việt

NGỌC PHƯỢNG - XUÂN HẠO // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 24/2/2024, 19:37

(HTV) - Dân gian có câu "Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng", bởi ngày này có một ý nghĩa đặc biệt trong hệ thống tâm linh và tín ngưỡng của người phương Đông.

Tại Việt Nam, cứ vào ngày lễ trọng đại này, người người lại đến chùa để cúng dường, không chỉ cầu mong sự may mắn, bình an mà còn mang tinh thần hướng về tổ tiên, nguồn cội.

Người người đến viếng chùa ngày Rằm tháng Giêng 

Đã ngoài 80 tuổi vẫn duy trì việc lễ chùa mỗi Rằm tháng Giêng, ông Đinh Quốc Anh ngụ tại quận Gò Vấp cho biết: "Tôi thấy từ trước đến nay ngày Rằm tháng Giêng, các cụ truyền lại cho con cháu rằng một lạy tháng Giêng bằng trăm lạy những ngày thường. Năm nay 82 tuổi, tôi đến chùa làm lễ cầu an cho bố mẹ các con cháu nó mày giỏi làm ăn thì nó cũng tiến tới”. 

Bạn trẻ Nguyễn Thị Hoài Thương ngụ tại quận Gò Vấp cho biết: "Khi đến chùa những ngày này mình cảm thấy rất là an lạc, rất là tự tại và mình mình cảm thấy hoan hỉ. Không nhất thiết là mình phải mặc những trang phục theo quy định hay gì hết, nhưng mà đối với mình để mà có một tấm lòng cung kính đối với Tam Bảo thì mình có thể mặc những đồ trang nghiêm là được, mình cũng có thể mặc những bộ đồ lam hoặc là áo tràng”. 

Từ người lớn đến trẻ nhỏ đều thành tâm đến chùa cầu nguyện 

Đi chùa ngày Rằm là nét đẹp văn hóa được gìn giữ lâu đời trong tâm thức người Việt. Vào ngày này, nhiều người quan niệm nên ăn chay, giảm sát sinh, nói điều hay lẽ phải. Tuy nhiên, người dân cũng nên hiểu đúng về những nghi thức trong ngày Rằm tháng Giêng, chỉ nên áp dụng những điều phù hợp, tránh mê tín dị đoan. Việc cúng lễ, cốt ở thành tâm là chính, không nên bày vẽ tốn kém.

Không khí thanh tịnh và ấm áp tại Chùa Kỳ Quang 2

Theo Hòa thượng Thích Thiện Chiếu - Trụ trì Chùa Kỳ Quang 2, quận Gò Vấp: "Ngày Rằm tháng Giêng, theo truyền thống của tổ tiền Việt Nam thì gọi là Rằm Thượng Nguyên. Thiên Quang tứ Phước, Thượng Nguyên là đầu năm mà Thiên Quang là ở trên trời ban phước xuống cuộc đời này. Quan trọng nhất là ngày Rằm tháng Giêng này không nên nghĩ tới cái việc mà là phóng sanh, thả cá hoặc là đốt vàng mã, đó cũng là một cái tín ngưỡng của dân gian thôi chứ không phải là cái ý nghĩa của của nhà Phật, quan trọng nhất mình phải biết hướng về những gì cao quý, nhất nhất là tổ tiên, nguồn cội cuộc sống của chúng ta. Đó là một cái quan trọng nhất, hướng về đó rồi mới thấy được những cái giá trị mà mà tổ tiên, ông bà chúng ta đã để lại. Những giá trị về cái gọi là lịch sử, văn hóa, tâm linh của Việt Nam và cái ròng thân duyên là khởi đầu cho điều đó. Nếu mình góp phần vào điều đó được thì đó mới là cái giá trị mà mình đã chùa trong ngày Rằm tháng Giêng này". 

"Theo quan điểm của Phật giáo, không có việc đốt vàng mã, nhưng theo phong tục người Việt mình, thì "trần sao, âm vậy" thì người sống muốn gửi gắm cái gì đó, báo hiếu cho người đã khuất. Nếu mình giữ truyền thống đó, thì mình hãy tượng trưng thôi. Và lấy cái tiền đốt vàng mã nhiều quá cho người đã khuất, thì mình giành phần đó cho người khó khăn, rồi hồi hướng công đức cho cho người đã khuất, thì cái phước báu đó nhân ra vô lượng hơn", theo Đại Đức Thích Minh Đạo - Trụ trì chùa Nam Thiên Nhất Trụ, TP. Thủ Đức, TP.HCM.

"Tháng Giêng, lễ Phật, ngày Rằm
 Thọ trai, thanh tịnh lỗi lầm xin qua
 Phước Điền Công đức lợi tha
 Gieo duyên Bồ tát lòng ta Thanh Nhàn "

Dù là ở miền nào, độ tuổi nào chắc chắn ai nấy khi đến chùa đều hướng về niệm lành, cầu mong một năm an bình, vạn sự hanh thông. Tuy nhiên, vào đúng mỗi ngày rằm tháng Giêng, dòng người đến lễ chùa thường rất đông đúc vì chúng ta hành xử văn minh và không cổ súy cho các hành động mê tín dị đoan là đang góp phần vào gìn giữ nét đẹp văn hóa, về niềm tin tín ngưỡng của người dân Việt Nam.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

 

Ý kiến của bạn: