(HTV) - Giám đốc Chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc (LHQ) - bà Inger Andersen cảnh báo rằng, việc tái chế nhựa sẽ không đủ để giải quyết các vấn đề ô nhiễm khi tình trạng sản xuất các loại vật liệu này ngày càng tăng.
Tổ chức này cũng kêu gọi hành động trên toàn bộ chuỗi, đặc biệt là trong lĩnh vực sản phẩm tiêu dùng.
Hai tuần trước, phiên bản đầu tiên của Hiệp ước quốc tế trong tương lai về chống ô nhiễm do sử dụng nhựa đã được xuất bản và sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2024. Tài liệu phản ánh nhiều tham vọng của 175 quốc gia trong việc giảm sản xuất polymer cơ bản, tái sử dụng và tái chế các sản phẩm nhựa.
Bà Inger Andersen - Giám đốc Chương trình môi trường của LHQ. Nguồn ảnh: AFP
LHQ tuyên bố ưu tiên hàng đầu là "loại bỏ nhựa sử dụng một lần" để giảm nguồn cung. Tổ chức này nhận thấy tái chế là một phần quan trọng của quy trình giảm thiểu ô nhiễm, nhưng với việc sử dụng nhựa ngày càng tăng, biện pháp này không giải quyết được mọi vấn đề.
Sản lượng nhựa đã tăng hơn gấp đôi trong 20 năm qua và đạt 460 triệu tấn mỗi năm. Nếu không làm gì để thay đổi tình hình, con số này có thể tăng gấp ba vào năm 2060, trong khi tỷ lệ tái chế là khoảng 9% mỗi năm. Hiện nay, chất thải nhựa đủ kích cỡ có thể tìm thấy dưới đáy đại dương, trong bao tử chim và trên đỉnh núi, trong khi các hạt vi nhựa đã được phát hiện trong máu, sữa mẹ và nhau thai.
Các hạt vi nhựa được phát hiện trong nhiều bộ phận cơ thể người, nhưng chưa rõ có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe. Nguồn ảnh: Getty Images
Theo bà Inger Andersen, nếu loài người cứ tiếp tục sử dụng các vật liệu polymer trong hoạt động kinh tế thì không có cách nào có thể ngăn chặn nhựa trôi vào đại dương.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9