Liên kết chặt chẽ để thúc đẩy hành trình xanh hóa nền sản xuất

THU HIẾU - YẾN THANH - THANH VÂN - XUÂN HẠO - NGUYỄN QUỐC - TRÚC QUỲNH - PHƯƠNG TRINH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 27/11/2023, 21:26

(HTV) - Hơn 1 năm nay tên gọi kinh tế xanh xuất hiện ngày càng phổ biến với lời cảnh báo rằng nền sản xuất Việt Nam phải thay đổi để tồn tại và cạnh tranh trước mắt là tại châu Âu và sau này là toàn cầu.

Tiêu chí xanh được xác định thông qua việc đo lường khả năng cân bằng khí thải nhà kính của một quốc gia. Tiêu chí này quy định cụ thể mỗi công đoạn trong sản xuất phát sinh và hấp thụ khí thải nhà kính, đặt tiền đề trách nhiệm của nhà sản xuất đối với môi trường.

Ngày 13/12/2022, các quốc gia thành viên EU thông báo sẽ thực hiện Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM). Theo đó, EU đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. 

CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro và có khả năng mở rộng ra cả hóa chất hữu cơ, nhựa và ammonia. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU, họ sẽ phải mua "chứng chỉ khí thải" theo mức giá carbon hiện nay tại EU.

Tín chỉ carbon được Châu Âu đo lường như thế nào?

Việc mua bán chứng chỉ khí thải, cho phép phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ carbon. Đây là thuật ngữ chung đại diện cho 1 tấn CO2 hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2.

Hiện 1 tín chỉ carbon tại Châu Âu có giá 83 USD và dự báo sẽ lên đến 280 USD vào năm 2026.

Thị trường carbon bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua vào năm 1997. Theo đó, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho các quốc gia phát thải nhiều hơn mục tiêu cam kết, và ngược lại. Do carbon là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi loại khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường tín chỉ carbon.

Thị trường carbon hoạt động dựa trên việc trao đổi hạn ngạch khí thải. Theo đó, các doanh nghiệp gây ô nhiễm phải mua giấy phép để phát thải CO2, từ đó tạo động lực thúc đẩy đầu tư vào công nghệ sạch. 

Thị trường carbon hoạt động dựa trên việc trao đổi hạn ngạch khí thải

Ở chiều ngược lại, nếu doanh nghiệp thực hiện tốt việc giảm phát thải và không sử dụng hết lượng tín chỉ thì có thể giữ lại tín chỉ để đáp ứng nhu cầu trong tương lai hoặc thu lợi từ việc bán cho các doanh nghiệp khác. Nhờ hoạt động theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền cho nên thị trường carbon đã góp phần quan trọng giúp nhiều quốc gia giảm lượng khí thải hằng năm và hiện thực hóa các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Được chính thức ra mắt vào năm 2005, thị trường carbon, hay còn gọi là Chương trình giao dịch khí thải (ETS) của EU hiện là thị trường mua bán phát thải lớn nhất thế giới, buộc hơn 10.000 nhà sản xuất, công ty năng lượng và hãng hàng không có các đường bay ở Châu Âu trả tiền cho mỗi tấn CO2 mà các công ty này thải ra. Đây được coi là công cụ quan trọng của EU nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đáp ứng các mục tiêu về khí hậu, thực thi cam kết trong Nghị định thư Kyoto trước đây và sau này là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Hiện Việt Nam chưa hình thành thị trường Carbon nhưng nhiều doanh nghiệp đã đạt được thành quả nhất định trong hành trình trung hòa khí thải nhà kính. Tại diễn đàn Mekong Connect 2023, Hội hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) cho biết hiện đã có một doanh nghiệp sản xuất sữa công bố hoàn thành việc trung hòa CO2, trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam làm được điều này. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho quá trình chuyển đổi xanh đang hối hả trong công nghiệp, dịch vụ.

10 tháng đầu năm 2023, Công ty Cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân đã tái chế được 1,6 tỷ chai nhựa trong tổng số 18.200 tấn rác thải nhựa. Hơn 56% trong số này đã xuất khẩu đến 12 quốc gia. Dù đã có bước tiến dài để "tái sinh" nguyên liệu nhưng thách thức vẫn tại thị trường Việt Nam.

Ông Lê Anh - Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân cho biết: Bây giờ chúng ta không gọi là tái chế mà là tái sinh. 

Luật mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (IPA) sẽ có hiệu lực từ 01/01/2024, qua đó những nguyên liệu "tái sinh" sẽ có cơ hội xuất hiện nhiều hơn trong đời sống và sản xuất. Thách thức lúc này chính là nguyên liệu xanh phục vụ sản xuất xanh. Chỉ riêng việc sử dụng nguyên liệu xanh, nhà mua hàng phải trả thêm 30% - 40% giá đầu vào. Nguyên liệu đạt chuẩn "xanh" khó mua hơn, chi phí thay mới máy móc cũng khiến mỗi đơn vị sản phẩm tăng gần 20% giá thành sản xuất.

Nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất bằng "tuần hoàn" và "tái sinh"

Nhiều chuyên gia đánh giá, xanh hóa sản xuất công nghiệp cần có sự thay đổi dây chuyền, trong đó sản xuất cơ bản nguyên phụ liệu và thiết bị phải đi trước. Với nguyên phụ liệu dồi dào, nền sản xuất Việt Nam sẽ chấm dứt vấn nạn sản xuất nhiều, lợi thế lớn nhưng giá thành thấp.

Sản xuất Việt Nam trong giai đoạn lấy đổi mới sáng tạo để giảm hao phí, thúc đẩy tiết kiệm tài nguyên. Viên gạch đầu tiên trong tiến trình này chính là xây dựng kinh tế tuần hoàn, tăng vòng đời của nguyên - nhiên liệu trong sản xuất.

Trong khi công nghiệp và tiêu dùng đang cố gắng giảm sử dụng vật liệu nguyên sinh thì ở lĩnh vực nông nghiệp, tiến trình giảm phát thải càng rõ ràng hơn. Trong sản xuất lúa, 3 yếu tố chính gây phát thải khí nhà kính là bón quá nhiều phân đạm, đốt rơm rạ hoặc vùi rơm rạ vào trong đất. Nhìn nhận tác hại của 3 yếu tố này, Cục Trồng trọt đã triển khai chương trình VNSAT (chương trình chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam) trên lúa ở 8 tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ và An Giang. Sau chương trình VNSAT hành trình xanh hóa vẫn đang tiếp tục.

Tập đoàn Lộc Trời đã dành 8 năm tổ chức canh tác theo phương pháp SRP được đưa ra tại Diễn đàn lúa gạo bền vững quốc tế do Liên hiệp quốc và Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) tổ chức. Đây là diễn đàn dẫn dắt sản xuất lúa gạo toàn cầu theo hướng giảm tác động đến môi trường.

Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ: Chúng ta hoàn toàn có được tín chỉ carbon tuy nhiên chúng ta chưa có thị trường carbon. 

Dự kiến trong vụ mới, sẽ có thêm 50.000 hecta lúa sản xuất theo phương pháp SRP với 46 yêu cầu chặt chẽ về năng suất, an toàn thực phẩm và đa dạng sinh học. Khi chưa có thị trường tín chỉ Carbon, các cánh đồng này sẽ tích lũy tín chỉ thông quá số liệu đo lường.

Thúc đẩy nhiều phương pháp canh tác xanh

Với nhiều phương pháp giảm phân bón và tiết kiệm nước đã và sẽ áp dụng, con số 49,6 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm trong canh tác lúa sẽ giảm dần cùng với những tín chỉ mới được sinh ra. Nền tảng này sẽ giúp cho nhiệm vụ hình thành 1 triệu hecta lúa chất lượng cao tại ĐBSCL bớt cam go.

Sản xuất nông nghiệp hiện chiếm đến 30% khí thải nhà kính toàn quốc và cũng là ngành tạo ra tín chỉ carbon

Sản xuất nông nghiệp hiện chiếm đến 30% khí thải nhà kính toàn quốc và cũng là ngành tạo ra tín chỉ carbon. Như vậy, canh tác nông nghiệp bền vững là con đường ngắn nhất để Việt Nam khởi động sàn giao dịch tín chỉ carbon Việt Nam vào năm 2028.

Thạc sĩ Huỳnh Phước Nghĩa - Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, Đại học Kinh Tế TP.HCM chia sẻ: ĐBSCL có lợi thế và liên kết là tất yếu về không gian kinh tế, nền tảng, nguồn lực, tạo ra hệ sinh thái phù hợp với phát triển. 

Có thể thấy cả công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đang dần chuyển mình đúng như những gì Châu Âu đã và đang làm. Thông qua những câu chuyện cụ thể vừa rồi chắc hẳn quý vị cũng đã thấy trung hòa khí thải chỉ là vấn đề thời gian. Bước cao hơn chính là làm sao để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn có thể sinh ra tín chỉ carbon đủ cho Việt Nam khởi động sàn giao dịch vào năm 2028. Lúc này, cần cái bắt tay tâm huyết của doanh nghiệp - nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách.

Trong quy hoạch tích hợp Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng và Bến Tre đã được phê duyệt, Chính phủ nhấn mạnh sẽ phát triển nông nghiệp tùy thế mạnh chứ không giao chỉ tiêu cào bằng. Thích ứng với biến đổi khí hậu cũng là 1 trong 6 nội dung hợp tác chính của TP.HCM và ĐBSCL. Khi đó, ĐBSCL sẽ trở thành vùng nguyên liệu bền vững phục vụ thị trường và đầu mối xuất khẩu TP.HCM, chấm dứt thực trạng sản xuất tự phát.

Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh: Hợp tác TP.HCM với ĐBSCL đôi bên cùng có lợi, sống trong môi trường mà sự liên kết chặt chẽ thường xuyên là cuộc sống chất lượng và nền sản xuất bền vững. Đặc biệt hơn, xây dựng được chuỗi sản xuất - tiêu dùng xanh.

Nỗ lực trong liên kết Doanh nghiệp - Khoa học - Chính sách

Năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển ĐBSCL theo hướng thuận thiên. Cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) cũng đã khẳng định Việt Nam sẽ trung hòa khí thải vào năm 2030. Hai bước đi cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu.

ĐBSCL là một trong ba vùng châu thổ được thế giới xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp do biến đổi khí hậu và cũng chính từ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn của ĐBSCL sẽ sinh tín chỉ carbon. Trong thách thức có cơ hội.

Việc triển khai Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù phát triển đầu tàu TP.HCM và Nghị quyết 13 về liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với TP.HCM là trung tâm liên kết đã mở rộng không gian kinh tế, chủ động điều tiết cung cầu nông sản, nhất là với lương thực. Và chắc hẳn, việc ưu tiên lựa chọn những nhà sản xuất trách nhiệm cao với môi trường chính là sự cổ vũ cần thiết nhất cho quá trình "trở mình" xanh hóa nền kinh tế Việt Nam.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: